Đại Kỷ Nguyên

TIN TỐT ĐẸP ngày 11/11: Cô giáo tiểu học 25 năm làm ‘má’ của những đứa trẻ khuyết tật ở Quảng Nam

Cô Loan và những học trò trong lớp học đặc biệt ở Trung tâm bảo trợ xã hội Quảng Nam. (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Chuyên mục TIN TỐT ĐẸP ngày 11/11 xin gửi tới quý độc giả bản tin ‘Cô giáo tiểu học 25 năm làm ‘má’ của những đứa trẻ khuyết tật ở Quảng Nam’.

Từ bỏ công việc dạy học ở TP. Đà Nẵng, cô Lương Thị Kim Loan (49 tuổi) về với những đứa trẻ kém may mắn ở Trung tâm bảo trợ xã hội Quảng Nam. Suốt hơn 25 năm gắn bó, nhờ sự dìu dắt của cô, nhiều trẻ mồ côi, khuyết tật nặng được nuôi lớn và biết chữ.

Sinh ra và lớn lên ở Đà Nẵng, nhưng với cô Lương Thị Kim Loan quãng thời gian đáng nhớ nhất lại là ở Trung tâm bảo trợ xã hội Quảng Nam (TP. Hội An, Quảng Nam).

Vốn là giáo viên tiểu học ở TP. Đà Nẵng. Trong một lần theo chồng về Trung tâm bảo trợ xã hội Quảng Nam, cô Loan được chứng kiến những đứa trẻ không lành lặn ngồi la hét, oằn mình tập đi vất vả.

Cũng kể từ lần đầu tiên gặp gỡ ấy, chưa khi nào cô giáo hết lo lắng cho những đứa trẻ tật nguyền. Tình yêu thương đã thôi thúc cô quyết định bỏ công việc dạy học để đến với chúng

Vậy là thời gian thấm thoắt trôi, đến nay đã hơn 25 năm, cô Loan vừa là mẹ, vừa là cô giáo của lũ trẻ. “Khi chứng kiến cảnh thiệt thòi của các em, tôi đã không cầm được nước mắt. Đây là một cơ duyên mà ông trời sắp xếp cho tôi đến với các em”, Báo Thanh Niên dẫn chia sẻ của cô.

Tại ngôi nhà thứ hai của mình, mỗi ngày cô bắt đầu công việc từ 5 giờ sáng. Khi lũ trẻ vẫn say giấc, cô đã đến trung tâm chuẩn bị bữa ăn cho các cháu.

Với những đứa trẻ ở đây, ngày mới bắt đầu từ tiếng gọi của “má” Loan. Miệng vừa gọi, chân cô bước đến bên từng giường mỗi em. Cứ dìu em này dậy, em kia lại vật xuống giường. Đứa khua chân đạp thình thịch, em lại réo gọi cô dìu bước xuống xe lăn. Một ngày từ sáng sớm đến tối mịt đều là những phút đẫm mồ hôi với người phụ nữ sắp bước sang tuổi 50 này.

Cô Loan đảm nhận vừa vật lý trị liệu, vừa giáo dục trị liệu cho những đứa trẻ. Nhiều em trong số đó được cô chăm sóc từ khi lọt lòng đến lúc trưởng thành với tiến bộ rõ rệt.

Những đứa trẻ khuyết tật ở trung tâm đều gọi cô là “má” Loan. Đó là tình cảm và cũng là món quà lớn nhất mà những đứa trẻ kém may mắn dành cho người mà chúng yêu quý.

Gắn bó với trung tâm hơn 25 năm, “má” Loan chứng kiến trẻ khuyết tật nặng chỉ ăn, ngủ, chơi, được chăm sóc đến 18 tuổi, sau đó chuyển đến trung tâm bảo trợ người trưởng thành.

Đến năm 2005, nhận thấy nhiều trẻ khuyết tật vẫn có khả năng học tập, cô Loan cùng ban giám đốc trung tâm quyết định mở lớp học đặc biệt cho các em.

Được giao quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng 12 trẻ khuyết tật, công việc của cô không có lịch trình nhất định. Lúc nào cô cũng luôn chân luôn tay chăm sóc, dạy cho các em cách đánh vần, tập viết chữ, tô màu, học hát…

Cô Lương Thị Kim Loan cùng các em học hát tại trung tâm. (Ảnh: Thanh Niên)

Dạy học vốn chẳng dễ dàng thì với giáo viên đảm nhận lớp học sinh có nhiều dạng khuyết tật khác nhau lại vất vả gấp bội.

Chia sẻ với Báo Tuổi Trẻ, cô Loan tâm sự, nói là lớp học nhưng rất khó gọi tên lớp, bởi với mỗi em phải thiết kế một chương trình riêng, vừa phù hợp với khả năng học sinh vừa căn cứ theo độ tuổi. Việc học chữ của chúng cũng khác nhau hoàn toàn.

Việc nghĩ ra trò chơi cho cả lớp khá khó khăn bởi không thể tổ chức trò chơi vận động vì nhiều em bị khuyết tật tay, chân. Cũng không chơi trò chơi quá đòi hỏi trí tuệ vì các em khó hiểu sẽ nhàm chán. Quan trọng vẫn phải vui, mới lạ thì trẻ mới hào hứng. Khó khăn là vậy nhưng vẫn không thể đánh gục được “má” Loan của những đứa trẻ.

Suốt 13 năm từ khi lớp học này được mở ra, đã có gần 40 em khuyết tật nặng biết đọc, biết viết. Trong đó phải kể đến cậu bé Nguyễn Văn Vũ (sinh năm 1994) bị bệnh nặng dẫn đến bại não được người dân cứu sống sau một trận lũ lớn.

Năm em 10 tuổi, cô Loan đón Vũ vào lớp học của mình và dạy chữ. Đến nay, em đã học thạo chương trình lớp 6, nói được cả tiếng Anh. Tuy bị dị tật nên giọng nói em không tròn vần rõ chữ, nhưng ai cũng phải thán phục bởi đó là cả thành quả cả cô và trò.

Đặc biệt, đến bây giờ, có nhiều em đã trưởng thành, thi đậu đại học, có em đã ra trường, công việc ổn định, kết hôn và cuộc sống gia đình sống hạnh phúc.

Cô Loan chia sẻ: “Những đứa trẻ khuyết tật cũng giống bao đứa trẻ bình thường, có ước mơ, biết phấn đấu, nhưng chỉ vì khiếm khuyết bản thân gây trở ngại. Tôi chỉ đóng vai trò là một người hỗ trợ các em đến với ước mơ của mình”.

Chuyên mục kính chúc quý độc giả một buổi chiều nhiều may mắn và yêu thương!

———–

Quý độc giả có thể tải ứng dụng “DKN.TV” trên điện thoại di động để cập nhật tin tức mới nhất trong ngày.

Đại Kỷ Nguyên News

Exit mobile version