Chuyên mục TIN TỐT ĐẸP ngày 12/11 xin gửi tới quý độc giả bản tin ‘Nghị lực và lòng nhân ái của hai chàng trai vượt qua nỗi đau mất tay chân’.
Những điều không may của số phận đã khiến Lưu và Phúc bị mất đi chân trái, đôi bàn tay nhưng lại gửi tặng cho họ nghị lực phi thường và tấm lòng nhân ái cao đẹp.
“Ông ơi, ông dậy chưa”, sáng nào cũng vậy, Nguyễn Lưu (quê Bình Định) cũng dậy sớm qua nhà cụ Tiến hàng xóm. Khi ấy, ông cụ nằm trên giường, cuốn mình trong chiếc chăn nhung ngước mắt nhìn thờ ơ. Mùi nồng nặc xộc lên.
Lưu đến rửa mặt, lấy túi bánh đút cho ông ăn rồi lau dọn khắp nhà. Cậu đeo khẩu trang, găng, luôn tay lau dọn với đôi chân tập tễnh. Xong xuôi, chàng trai mới quay về cửa tiệm học nghề.
Câu chuyện của Lưu và cụ Tiến được VnExpress đăng tải trong bài viết ngày 10/11 đã khiến một độc giả cảm thán: “Một trái tim đẹp hơn cả vàng bạc, kim cương…”.
2 tuần trước, Lưu tới Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) học nghề. Ngày thứ 2 ở đây, cậu phát hiện ra một mùi khó chịu. Giáo viên nói bên cạnh có ông cụ neo đơn, mùi phát ra từ đó.
“Mình đi sang thấy có một cụ ông nằm co ro. Nước tiểu, phân nhiều ngày đen đặc dưới sàn nhà gạch hoa. Trên giường, bánh mỳ bị cắn nham nhở, hoà lẫn với phân mèo. Cụ ông vuốt một con mèo, gọi vợ và đám còn lại là con. Một cảnh tượng thương cảm, mình khóc”, Lưu nghẹn ngào kể với VnExpress.
Cảm giác giống như lúc vừa bị cưa chân được đẩy ra khỏi phòng mổ không có ai bên cạnh đã thôi thúc Lưu giúp đỡ ông cụ. Ngày 4/11, cậu cùng bạn bắt tay dọn dẹp, vệ sinh cho ông Tiến và ngôi nhà. Lưu còn sắm thêm vài bộ quần áo mới, bộ chăn, gối sạch sẽ cho mùa đông sắp tới.
Từ đó, sáng nào chàng trai 9x mua đồ ăn mang sang cho ông, sau đó dọn dẹp. Trưa và tối thì mua cháo, cơm đưa sang. Lưu cho biết, ông vẫn có thể chống gậy đi được, nhưng bị lẫn. Nhà vệ sinh bị hỏng, nên ông cụ đi nặng nhẹ tại chỗ.
Cụ Tiến năm nay đã 87 tuổi, vợ mất 5 năm nay và không có con, phải sống bằng tiền trợ cấp. Nhiều lần, tổ dân phố định đưa vào viện dưỡng lão nhưng cụ kiên quyết không đi.
“Ông cụ nóng giận, hay chửi nên làng xóm nhiều người tức không đến giúp. Mình giúp ông vậy mà nhiều lúc cũng bị ông chửi. May mắn lắm được hôm ông mời ăn và mời ngủ lại”, Lưu cười hiền hậu nói.
Trở lại với câu chuyện riêng của Lưu, cách đây 2 năm, khi ấy chàng thanh niên mới 23 tuổi, là nhân viên công ty vàng bạc đá quý ở TP. HCM. Bất ngờ tai nạn ập đến, cậu bị một chiếc xe 7 chỗ tông phải.
“Mình cầu xin cặp vợ chồng trên chiếc xe đó đưa đi viện mà họ nhìn nhau hoang mang. Cầu xin đám đông xung quanh nhưng họ cũng chỉ nhìn rồi lảng tránh. Một phút, hai phút, rồi 15 phút qua đi, khi ý chí và trái tim mình dần tuyệt vọng thì được một người phục vụ từ nhà hàng cạnh đó chạy đến, bắt taxi đưa đi”, Lưu đau xót nhớ lại.
Lúc biết bị cưa chân, chàng trai đã khóc trong căn phòng hậu phẫu. Sau tai nạn, Lưu trở về quê hồi phục sức khỏe. Đầu năm 2018, cậu bắt đầu học nghề phun xăm và ra Vĩnh Phúc nâng cao kỹ thuật.
Chị Hồng Sen (35 tuổi, cô giáo dạy nghề) cho biết, ban đầu chị tưởng Lưu giúp đỡ để thu hút sự chú ý của mạng xã hội. Nhưng suy nghĩ đó đã thay đổi khi thấy cậu ấy thường xuyên chạy sang chăm nom ông cụ và làm những công việc mà ngay đến cả người thân còn ngại, huống chi người dưng.
Chỉ còn 20 ngày nữa, chàng thanh niên này sẽ kết thúc khóa học nghề nhưng vẫn canh cánh nỗi lo về cụ Tiến.
“Ông cụ không muốn nhưng mình mong ông sẽ vào viện dưỡng lão hoặc nếu không thuê một người dọn vệ sinh cho cụ. Tương lai không biết sẽ thế nào, còn mình ở đây được ngày nào sẽ còn giúp cho chỗ ăn ngủ của cụ được sạch sẽ”, Lưu nói.
Cũng giống như Lưu, mất đi một phần cơ thể trong một vụ tai nạn 4 năm trước, Dương Hữu Phúc (22 tuổi, quê Lạng Sơn) lại chọn cách làm đẹp cho đời bằng những vòng hoa bé xinh và kiếm thêm thu nhập.
Theo VTV, không có đôi tay nhưng thành tích học tập của Phúc cũng khá ấn tượng. Phúc có thể dùng máy tính và các phần mềm hỗ trợ thành thạo, vẽ hoàn chỉnh các đồ án.
Trong căn phòng trọ lụp xụp chừng 10 m2 dưới chân đê sông Hồng (Hà Nội) chỉ vừa kê một cái giường, cái bếp và bàn học. Buổi sáng, cậu sinh viên kiến trúc đi học, tối về lại phụ mẹ bán trà đá. Những lúc vắng khách hai mẹ con ngồi tết vòng hoa để đến cuối tuần mang ra phố đi bộ bán.
Nói về sự cố gắng của con trai, mẹ Phúc rưng rưng nước mắt: “Thiếu thốn tình cảm của bố từ nhỏ, Phúc luôn thu mình, trầm lặng, ít khi chia sẻ cảm xúc với ai. Lúc con vượt qua được đau đớn và quyết định đi học tiếp tôi mừng lắm, nhưng cũng lo nhiều. Giờ chỉ mong sao con đủ niềm tin, can đảm để đối mặt với khó khăn, thử thách, đó cũng là món quà lớn nhất rồi”.
Thấy vậy, Phúc khẳng định: “Mẹ cứ nói thế, còn sống thì cần sống cho đáng, cho vui vẻ, mọi chuyện rồi sẽ phải tốt lên”.
Chuyên mục kính chúc quý độc giả một buổi chiều nhiều may mắn và yêu thương!
———–
Đại Kỷ Nguyên News