Chuyên mục TIN TỐT ĐẸP ngày 19/11 xin gửi tới quý độc giả bản tin ‘Lớp học giữa vườn của cô giáo hơn 20 năm dạy chữ miễn phí cho trẻ mồ côi, khuyết tật ở Vĩnh Long’.
Dạy học cho trẻ bình thường đã khó, với những số phận bất hạnh còn gian nan hơn nhiều lần. Vậy mà gần 20 năm qua, cô giáo Nguyễn Thị Huỳnh Nga (62 tuổi, Vĩnh Long) vẫn miệt mài, kiên trì dìu dắt các thế hệ học sinh khuyết tật, mồ côi.
Bên chiếc bảng xanh chưa kịp xóa, cô giáo Nga kể với Báo Vĩnh Long, năm 1992, trong một lần tham gia dạy phổ cập, cô tình cờ biết đến học sinh có hoàn cảnh khó khăn, không thể cắp sách đến trường. Lòng thương cảm thôi thúc cô thành lập lớp học xóa mù chữ, giúp các em biết đọc, biết viết…
Ban đầu, lớp học chỉ có vài em, nhưng dần “tiếng lành đồn xa” sĩ số cũng dần tăng lên. Đến nay, lớp học của cô Nga có đến 40 em có hoàn cảnh đặc biệt: Thiểu năng, mồ côi, nhiễm HIV, tâm thần nhẹ…
Cô Nga cho biết: “Năm 1999, lớp học tình thương chính thức ra đời. Thời gian đầu, tôi mượn phòng thư viện của Trường Tiểu học Chu Văn An để dạy. Khi tôi về hưu năm 2009, lớp học được chuyển về nhà tôi. Tôi mở lớp học này bằng nguồn tiền hưu của bản thân, chỉ mong xoa dịu được phần nào sự thiệt thòi của các em…”.
Để tất cả trẻ em khuyết tật tại địa phương được đến lớp, cô đã lặn lội đến từng nhà vận động. Nhiều em đến lớp thường xuyên la hét, có khi đập phá đồ đạc, không chịu mở lời, tiếp xúc với các bạn. Nhưng sự kiên trì và tình yêu thương của một người giáo viên đã giúp các em xóa bỏ được sự tự ti, khiếm khuyết bệnh tật, làm lành vết thương tâm hồn.
Lớp học của cô Nga như ngôi trường tiểu học thu nhỏ, dạy ghép từ lớp 1 đến lớp 5. Sau đó, nếu em nào có đủ điều kiện và muốn học tiếp, cô sẽ đăng ký với các trường cho các em kiểm tra để hoàn thành chương trình tiểu học. Cô Nga tự hào cho biết, nhiều em xuất phát từ lớp tình thương đang học ở bậc cao hơn.
Trong số học sinh của lớp học đặc biệt này, em lớn nhất đã 30 tuổi, nhỏ nhất 8 tuổi. Các em không phải đóng góp chi phí học tập, trường hợp thuộc diện gia đình khó khăn còn được cô giáo tặng tập vở, quần áo, giày dép, sữa tươi và các phần ăn miễn phí.
Trinh (17 tuổi), mắc bệnh tâm thần nhẹ nghẹn ngào nói với Báo Dân Trí, trước đây em được bà ngoại đưa đến lớp cô Nga để học. Hiện bà ngoại già yếu, bệnh liệt giường nằm một chỗ nên em phải bán vé số nuôi bà.
“Ngày nào không được học là con thấy nhớ cô Nga, nhớ các bạn”, em Trinh cười hiền nói.
Cùng chung cảnh ngộ, anh Nguyễn Long Toàn (31 tuổi) bán vé số dạo cũng được người thân đưa đến lớp học. Toàn dù đã ngoài 30 tuổi nhưng tính tình anh chẳng khác gì một đứa trẻ, thích được ăn bánh kẹo với những trò chơi tuổi thơ.
Cô Nga tâm sự, hầu hết các em đều là trẻ khiếm khuyết, thiểu năng nên việc dạy học cũng phải linh động, đòi hỏi người đứng lớp có sự kiên trì. Đồng thời, giáo viên phải tạo sự gần gũi tình cảm để học sinh có thể hiểu và cảm nhận được. Từ đó, các em sẽ vui vẻ và thích thú khi được đến lớp. Tính đến nay lớp học của cô Nga đã dạy cho trên 700 em có hoàn cảnh đặc biệt.
Với lòng yêu nghề, thương trẻ sâu sắc, cô Nga là một trong những tấm gương tiêu biểu đoạt giải thưởng Kova lần thứ 16 năm 2018, hạng mục Sống đẹp.
“Cô Nga là tấm gương tiêu biểu, ròng rã gần 20 năm cống hiến, phục vụ giúp cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt. Cô sẵn sàng rộng vòng tay đón nhận và giúp đỡ miễn phí mà không đòi hỏi bất cứ điều gì, xứng đáng là một tấm gương sống đẹp cho mọi người noi theo”, ông Nguyễn Trung Dân, Phó Chủ tịch HĐND phường 8 (TP. Vĩnh Long) tự hào nói.
Chuyên mục kính chúc quý độc giả một buổi chiều nhiều may mắn và yêu thương!
———–
Đại Kỷ Nguyên News