Chuyên mục TIN TỐT ĐẸP ngày 21/11 xin gửi tới quý độc giả bản tin ‘Cậu nhóc ‘đại ca’ và chàng trai trầm cảm trở thành thầy giáo dạy trẻ tự kỷ sau chuyến đi bất ngờ’.
Tính đến tháng 11/2018, đã được gần 2 năm từ ngày Phú bỏ lại hình ảnh về một “đại ca” nhí, cậu nhóc nghiện game để chững chạc trong vai trò người “thầy”, giúp đỡ những đứa trẻ tự kỷ vốn rất cần sự yêu thương, che chở.
Những ngày này, cậu bé Đặng Văn Phú (quê Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) chỉ mới 15 tuổi vậy mà đã là “thầy” của những đứa trẻ ở Trung tâm dạy trẻ tự kỷ tại xã Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên, Hà Nội).
Chỉ một năm trước, Phú vẫn là một đứa trẻ nghiệm game, có khi dành 16 tiếng mỗi ngày bên bàn phím hay cầm trên tay những chén rượu chạm lách cách trên bờ đê lúc tối mịt.
Câu chuyện về sự thay đổi ngoạn mục của Phú được VnExpress tìm hiểu và kể cùng độc giả. Qua những dòng tâm sự của Phú, có thể thấy phần nào sự thiệt thòi mà tuổi thơ cậu bé từng phải trải. Bố mất, mẹ đi Đài Loan lao động vài năm mới về một lần, ở cùng với ông bà ngoại lớn tuổi, Phú trở thành một “thằng nhóc” bất hảo trong mắt của nhiều người.
“Có hôm em chơi từ trưa đến 2 giờ sáng, về nhà một chút rồi lại đi. Có ngày em bỏ tới 400 nghìn để chơi game. Bạn bè rủ cái gì em cũng chơi, kể cả rượu bia, rồi đánh nhau. Em còn được gọi là Phú ‘đại ca’ trong trường”, Phú kể.
Bước ngoặt đến với Phú trong một chuyến đi bất ngờ. Đầu năm 2017, tình cờ theo chân em họ đến Trung tâm dạy trẻ tự kỷ ở huyện Phú Xuyên (Hà Nội), Phú được thầy hiệu trưởng đề nghị ở lại làm huấn luyện viên vì thấy cậu chàng khá thông minh. Khi này, cậu ậm ờ đồng ý vì cũng không muốn về nhà.
Tuy vậy, muốn trở thành huấn luyện viên, Phú phải tập được những bài cơ bản như đứng con lăn, tung bóng.
“Hai tháng đầu Phú tập vật vờ, uể oải, cãi giáo viên, quăng dụng cụ tập. Không ít lần cậu ấy trốn vào xó xỉnh để ngủ, vờ đau bụng, đau lưng”, thầy hiệu trưởng Phan Quốc Việt chia sẻ.
Nhưng chỉ khoảng 1 tháng tiếp xúc, biết được hoàn cảnh của học viên, đứa thiệt thòi về trí tuệ, tâm lý, đứa bị cha mẹ hắt hủi, không có nhà để về, Phú bắt đầu tập luyện hăng say hơn.
Cậu bé 15 tuổi thay đổi thái độ tích cực và chính thức trở thành huấn luyện viên để giúp đỡ các bạn, các em nhỏ.
“Ban đầu, nhìn thấy các bạn nhỏ ở đây có những biểu hiện kỳ lạ, la hét, đêm đi lang thang…, em cũng hơi sợ. Nhưng đồng cảm vì các bạn ấy không có bố mẹ bên cạnh đã khiến em không muốn rời khỏi đây”, Phú tâm sự.
Giờ đây, mỗi ngày trôi qua, Phú nhẫn nại hướng dẫn trẻ đi trên xe đạp một bánh, tung bóng trên con lăn, dạy hát, tập nói – những hoạt động giúp trẻ tự kỷ tăng độ tập trung, kiểm soát bản thân và tư duy.
Khi cùng các em hoạt động, gặp không ít lần các em đòi đánh, ông “thầy” trẻ tuổi chỉ cười hiền rồi thôi. Phú nhẹ nhàng, điềm tĩnh nhưng đôi khi cũng phải to tiếng để học viên không “lờn mặt”, đặc biệt là những học viên mới, chưa được rèn nhiều.
Tranh thủ ngoài giờ học, em chăm lo cả việc sinh hoạt, ăn ở và giấc ngủ của các bạn. Cũng bởi sự tâm huyết này mà cậu bé mắt híp được lũ trẻ rất yêu quý.
Sau hơn một năm ở đây, Phú đã đào tạo cho 20 học viên, có thêm tiền lương gửi về cho ông bà đều đặn. Cậu bé mới 15 tuổi dần trở thành người bạn, người nhà không thể thiếu của trẻ tự kỷ ở trung tâm.
Tại Trung tâm Tâm Việt (Phú Xuyên, Hà Nội) cũng có một người thầy hoạt bát, vui vẻ, đặc biệt yêu thương, chăm sóc những đứa trẻ thiếu may mắn. Ở độ tuổi 20, chàng trai Hoàng Tiến quyết gắn bó với trung tâm sau khi được sống, thấu hiểu và chia sẻ với những đứa trẻ tự kỷ
Trước khi đến với trung tâm, chàng sinh viên khoa Công nghệ thông tin với nụ cười hiền lành, dễ thương từng mắc chứng trầm cảm tưởng như vô phương cứu chữa.
Bắt đầu bởi áp lực học hành bởi môi trường cạnh tranh khốc liệt, cùng với công việc làm thêm không như ý muốn, tất cả khiến Tiến rất áp lực và muốn buông bỏ tất cả.
Giữa lúc chênh vênh nhất, chàng trai trẻ trúng tiếng sét ái tình với một cô gái cùng chỗ làm thêm. Thật không may, người con gái ấy đã yêu một chàng trai khác.
Bỏ học giữa chừng cùng cú sốc tình cảm khiến chàng trai trẻ suy sụp, hằng ngày giam mình trong 4 bức tường phòng.
Khi mọi thứ đã đến cùng cực, Tiến tìm cách giải thoát để kết thúc mọi thứ. Lần đầu thắt cổ tự tử bất thành, Tiến quyết định nhốt mình trong phòng và tuyệt thực.
Cũng như Phú, Tiến thay đổi cuộc đời sau một chuyến đi. Đó là khi bố mẹ đưa cậu đến Trung tâm Tâm Việt để điều trị.
Tại đây, Tiến đã khiến bạn bè và gia đình bất ngờ bởi sự thay đổi thần tốc. Chỉ sau 3 tháng điều trị, không chỉ chữa khỏi bệnh, chàng trai này còn trở thành một thầy giáo được các em nhỏ tự kỷ hết mực yêu thương, kính trọng.
Là bố của “hai con” Su và Tấn, Tiến cảm thấy trưởng thành, có trách nhiệm, “không như trước kia, làm gì cũng mau chán, chẳng bao giờ chú tâm làm gì, từ bỏ mà không cần lý do, thích là làm, thích là bỏ”, trang Sóng Trẻ ghi lại tâm sự của Tiến.
Gắn bó với trẻ tự kỷ, Tiến nhận ra rằng mỗi đứa trẻ đều có ngôn ngữ riêng mà mình cần yêu thương chúng thật sự thì mới hiểu được.
“Nói là dạy chúng, nhưng chính những đứa trẻ này đã chữa trị cho mình, kéo mình ra khỏi vũng lầy cảm xúc lúc nào không hay”, Tiến tâm sự.
Chuyên mục kính chúc quý độc giả một buổi chiều nhiều may mắn và yêu thương!
———–
Đại Kỷ Nguyên News