Đại Kỷ Nguyên

TIN TỐT ĐẸP ngày 21/9: ‘Cánh én’ của cô giáo xương thủy tinh mang mùa xuân tới trẻ em nghèo

Mặt nạ giấy bồi từng là món đồ chơi tuổi thơ của bao người mỗi dịp Trung thu đến. (Ảnh: Dân trí)

Chuyên mục TIN TỐT ĐẸP ngày 21/9 xin gửi tới quý độc giả bản tin ‘Cánh én’ của cô giáo xương thủy tinh mang mùa xuân tới trẻ em nghèo.

Biết mình khác biệt so với những người khác, nhưng chưa bao giờ cô giáo Huỳnh Thanh Thảo cảm thấy tự ti bởi: “Em như loài én nhỏ vươn mình bay lên trong nắng gió của đất trời Phương Nam”… 

Trong ngôi nhà nhỏ tại ấp Ràng (xã Trung Lập Thượng, Củ Chi, TP. HCM) cô giáo Huỳnh Thanh Thảo (32 tuổi) chia sẻ với Báo Pháp Luật TP. HCM, cô mắc bệnh xương thủy tinh do di chứng chất độc màu da cam, hễ cử động là xương gãy. Không lành lặn như bạn bè cùng trang lứa nên khó thể đi học, năm 9 tuổi Thảo xin mẹ dạy đánh vần và tập viết ở nhà. Ham học lại thêm phần chăm chỉ, Thảo tiếp thu kiến thức khá nhanh…

Biết Thảo đọc viết thông thạo, những đứa trẻ trong ấp kéo đến nhờ “chị bé Ba” (tên ở nhà của Thảo) bày cho học. Rồi Thảo mở hẳn một lớp dạy kèm. Tiếng lành đồn xa, nhiều gia đình ở các xã khác trong huyện cũng gửi con đến nhờ Thảo dạy.

Thời gian cứ thế trôi đi, Thảo trở thành giáo viên dạy thêm cho lũ trẻ trong xóm lúc nào không hay.

Lớp học miễn phí được Thảo mở ra từ năm 2000 và chỉ dạy chương trình lớp 1, lớp 2. Đến nay, sau 18 năm gắn bó, có hàng trăng trẻ em nghèo ở ấp Ràng được cô Thảo dạy chữ.

Có lẽ ý chí sắt đá đã giúp Thảo trở thành cô giáo ngay trên xe lăn, dù bản thân chưa được đào tạo bài bản qua trường lớp.

Theo Báo Dân Trí, trong quá trình dạy học, nhận thấy các em ít được tiếp xúc với sách báo, Thảo mở một thư viện nhỏ tại nhà. Lúc đầu, “thư viện cô Ba” chỉ có ít sách báo do bạn bè gửi tặng. Bất ngờ, một Mạnh Thường quân người Mỹ đã giúp Thảo xây dựng thư viện khang trang hơn. Tiếng lành đồn xa, thư viện được nhiều người biết tới, số lượng sách vở, tranh ảnh… vì thế mà tăng lên.

Cô giáo Thảo và các em học sinh (Ảnh: Pháp Luật Việt Nam)

Không chỉ dừng lại ở đó, Thảo còn nhận kèm các em thiểu năng, chậm phát triển bởi hơn ai hết cô thấu hiểu được ước muốn được đi học, được cầm bút viết của chúng. Thời gian đầu đầy những khó khăn, có em học mấy tháng mà bảng chữ cái chưa nắm được, hoặc hôm nay nhớ hôm sau quên… nhưng không vì thế mà Thảo nản lòng.

Thanh Thảo với thư viện đầy ắp sách của mình. (Ảnh: Dân Trí)

Năm 2009, từ một chương trình văn nghệ trên Đài tiếng nói Nhân dân TP. HCM, một độc giả biết tới hoàn cảnh của Thảo nên đã gửi tặng một chiếc máy tính để bàn. Được tiếp xúc với công nghệ, Thảo trở thành thành viên tích cực của các trang mạng chuyên hoạt động vì cộng đồng. Với nick-name “Én nhỏ Phương Nam” hoặc “Thiên thần không đôi chân”, Thảo được nhiều người chú ý tới.

Từ chương trình thiện nguyện đầu tiên mà Thảo thực hiện nhân ngày 1/6 tại mái ấm Thiên Phúc vào năm 2009, đến nay Thảo đã thực hiện được rất nhiều hoạt động. Hàng trăm phần quà và học bổng đã được Thảo trao cho hàng trăm em thiếu nhi cũng như các em học sinh nghèo hiếu học.

Một góc trong thư viện sách của cô Ba. (Ảnh: Pháp Luật TP. HCM)

Có thể, hình dáng của Thảo không được như những người bình thường khác, tuy nhiên câu chuyện về nghị lực sống vươn lên của Thảo khiến nhiều người phải nể phục. Nói như cách mà Thảo vẫn hay nói: “Em như loài én nhỏ vươn mình bay lên trong nắng gió của đất trời Phương Nam”.

Chuyên mục kính chúc quý độc giả một buổi chiều nhiều may mắn và yêu thương!

———–

Quý độc giả có thể tải ứng dụng “DKN.TV” trên điện thoại di động để cập nhật tin tức mới nhất trong ngày.

Đại Kỷ Nguyên News

Exit mobile version