Chuyên mục TIN TỐT ĐẸP ngày 23/9 xin gửi tới quý độc giả bản tin ‘Lớp học miễn phí của sư thầy giữa lòng hồ thủy điện Trị An’.
Lớp học tình thương do Đại đức Thích Chơn Nguyên lập nên ngay giữa lòng hồ thủy điện Trị An không chỉ giúp cho trẻ em mà cả người lớn tuổi làng vạn chài được xóa mù chữ.
Video: Lớp học miễn phí của sư thầy giữa lòng hồ thủy điện Trị An.
Vào mùa mưa, nước thủy điện Trị An xã Thanh Sơn (huyện Định Quán, Đồng Nai) dâng cao mênh mông, chìm cả đường đi, lối lại ở bờ hồ. Song những đứa trẻ làng vạn chài vẫn vui vẻ bơi xuồng đến lớp học dù không ít lần bị rơi xuống nước, ướt cặp sách…
Làng vạn chài trên hồ Trị An có khoảng 35 hộ gia đình, mưu sinh bằng nghề đánh bắt thủy sản. Những đứa trẻ lớn lên ở đây đều không rõ hộ khẩu, giấy tờ tùy thân nên không thể nhập học.
Hơn 1 năm trước, Đại đức Thích Chơn Nguyên (39 tuổi) – người khai sơn dựng chùa Liên Sơn, trong lần về thăm người dân xóm vạn và biết nhiều trẻ em mù chữ nên nung nấu ý định mở lớp học miễn phí ngay trên hồ.
Lúc đầu có 5 em nhỏ học trên bè nổi được thầy Nguyên mượn của người dân. Càng về sau lớp học càng đông nên thầy mua hẳn một bè nổi giá 65 triệu đồng và được bà con làng bè xúm vào gia cố, cơi nới cho bè rộng ra mới đủ sức chứa học sinh.
Hiện lớp học của thầy Nguyên có khoảng 35 học sinh nam, nữ trong độ tuổi 6-18. Nhiều ngư dân từ 50-60 tuổi cũng tranh thủ lúc nhàn rỗi cũng tới xin học chữ.
Vừa cầm tay gò chữ cho học sinh mới nhất của lớp là Nguyễn Văn Nhóc (14 tuổi), thầy Nguyên cho Báo Đồng Nai biết, ngày mới mở lớp khó khăn đủ điều, nhiều trẻ thấy học chữ nhọc nhằn đã trốn ở nhà không chịu đến lớp, nhưng giờ chúng lại rất hào hứng khi đi học.
Từ sáng sớm, những đứa trẻ trong xóm vạn tự lái xuồng hoặc được người thân đưa đến lớp học. Trưa đến các em được ăn trưa, uống sữa, ngủ nghỉ và trở về nhà vào cuối chiều. Tan học, thầy giao bè lại cho người dân để về chùa. Mọi chi phí ăn, uống, sách vở… đều do thầy Nguyên và các Mạnh Thường quân đóng góp.
Nhờ có lớp học của thầy Nguyên mà em Trần Thị Cầm (8 tuổi) có thể cầm truyện tranh đọc, chứ khi trước chỉ nhìn hình mà không hiểu. Còn em Trần Thị Thúy 17 tuổi mới biết đến con chữ, biết cách cầm bút để đồ từng nét chữ trên cuốn vở tập viết.
Thầy Nguyên chia sẻ với Zing, dạy chữ để các em có thể đọc, viết thành thạo, tạo nền tảng kiến thức để các em hòa nhập vào cuộc sống. Khi lớn lên, chúng có thể xin được việc làm ở các công ty, không phải sống cuộc đời trôi nổi, cơ cực như cha mẹ.
Không chỉ cho ăn học miễn phí, sư thầy còn dạy trẻ em làng bè học hát, kỹ năng sống, thói quen sinh hoạt lành mạnh. “Những ngày đầu đi học mấy đứa nhỏ rất hay nói tục. Vì vậy, tôi đề ra nội quy, mỗi lần có em nào nói tục, tôi phạt đứng tại chỗ. Những lúc mấy đứa nhỏ ngủ trưa, tôi nhờ người trông coi giùm lớp để chèo xuồng tới từng nhà bè nói với cha mẹ các em không dùng từ ngữ tục để nói chuyện khi có mặt con trẻ”, thầy Nguyên kể.
Bà Nguyễn Thị Nga (60 tuổi, cư dân làng bè) cho biết, “Hồi trước, mấy trẻ ưa nói tục, chửi mắng, đánh nhau… người lớn khó dạy bảo. Từ ngày được thầy dạy học, các em ngoan hiền hơn, sống có kỷ luật hơn, ăn uống hợp vệ sinh. Đi học rồi, đứa nào cũng biết đọc, biết viết nên ai cũng vui”. Ngoài ra, được thầy dậy không quăng rác xuống hồ mà bỏ vào nơi cố định để đem lên bờ xử lý, nên về nhà chúng còn hướng dẫn lại cho ông bà, cha mẹ.
Dẫu phía trước nhiều khó khăn, chòng chành như con đường đến lớp học của các em nhỏ ở làng vạn chài trên hồ Trị An, nhưng điều đó không ngăn lại được tinh thần hiếu học, để sau này các em không phải sống cuộc đời trôi nổi, đúng như ước nguyện của sư thầy.
Chuyên mục kính chúc quý độc giả một buổi chiều nhiều may mắn và yêu thương!
———–
Đại Kỷ Nguyên News