Chuyên mục TIN TỐT ĐẸP ngày 4/10 xin gửi tới quý độc giả bản tin ‘Điều kỳ diệu ở xưởng gốm ‘ông Tây’ dành cho người khuyết tật’.
Xưởng gốm “ông Tây” là cách gọi thân thương mà nhiều người khuyết tật ở Thừa Thiên Huế dành cho trung tâm của nghệ sĩ Olivier Oet (62 tuổi, người Pháp).
Gần 10 năm nay, Trung tâm Hy Vọng (đường Nhật Lệ, TP. Huế) đã trở thành ngôi nhà chung của những người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn. Bước vào đây, ai cũng ấn tượng với không khí rộn ràng, âm thanh phát ra từ bàn xoay tạo hình gốm. Những công nhân khuyết tật chăm chú dùng tay se trên chiếc bàn quay, sản phẩm gốm dần dần được định dạng.
Hỏi thăm thầy Olivier Oet, một công nhân chỉ vào người đàn ông ngoại quốc với mái tóc bạc đang chăm chú hướng dẫn học trò. Ông chính là linh hồn của xưởng gốm.
Ông Olivier Oet (62 tuổi, người Pháp) chia sẻ với Báo Lao Động, 8 năm trước, trong một chuyến từ thiện, một người phụ nữ gốc Việt đã tới gặp và đưa ra lời đề nghị ông giúp đỡ trẻ em khuyết tật Việt Nam. Sinh ra trong một gia đình có 4 thành viên, trong đó em trai ông Olivier không may mắc phải hội chứng down nên người đàn ông ngoài lục tuần này thấu hiểu những thiệt thòi của người khuyết tật. Chính vì vậy, sau khi nghe lời đề nghị, Olivier đã nảy ra ý tưởng hình thành xưởng gốm Raku để hỗ trợ và dạy cho các em không may mắn, giúp họ nhận ra giá trị, thậm chí có thể tự trang trải cho bản thân.
Năm 2012, ông Olivier Oet cùng vợ đến Trung tâm Hy Vọng, quyết định thực hiện dự án. Nghệ thuật gốm Raku của Nhật Bản phù hợp với người khuyết tật. Để làm một sản phẩm là cả một quá trình khám phá, cảm nhận về đất và men. Gốm này đặc biệt bởi không sản phẩm nào giống sản phẩm nào.
“Vì không giới hạn về mặt ý tưởng nên người khuyết tật cũng có thể tự do sáng tạo nghệ thuật theo suy nghĩ của mình. Nghệ thuật từ gốm sẽ giúp các em khuyết tật có thể sáng tạo riêng cho bản thân mình, giúp các em có thể hoàn thiện bản thân hơn”, ông Olivier nói.
3 năm đầu trên con đường giúp đỡ trẻ khuyết tật tại Việt Nam, Olivier phải tự bỏ tiền túi của mình để đầu tư, hình thành xưởng gốm Raku. Đến năm 2015, thông qua các mối quan hệ, ông đã vận động, thành lập tổ chức phi chính phủ cho những người khuyết tật. Olivier cũng đứng ra giới thiệu, rao bán sản phẩm gốm do người khuyết tật Việt Nam làm ra.
Dạy nghề cho người bình thường đã khó, dạy cho những người khuyết tật càng khó hơn. Dường như ông Olivier đã sử dụng mọi công cụ có thể để giúp các em hiểu được ý mình. Sau khi một số em thành nghề thì lại chỉ bảo cho nhau. Bởi theo Olivier không ai có thể hiểu, đồng cảm với các em bằng chính những người chung cảnh ngộ.
“Vì có những khiếm khuyết thể chất và trí tuệ nên một em không thể đảm nhận hết các công đoạn từ nhào đất đến hoàn thành một sản phẩm. Có những công đoạn mà những em bị thiểu năng không thể làm được. Như nung gốm cần sự tỉ mỉ hơn thì những em bị khiếm thính có thể làm tốt hơn. Các em sẽ bù đắp cho nhau để trở thành những người thợ hoàn chỉnh, lành nghề”, Olivier bày tỏ.
Dưới sự chỉ dạy tận tụy của thầy Olivier, từ những phút đầu bỡ ngỡ, hiện nay nhiều học trò của ông tại trung tâm đã có thể làm ra những sản phẩm gốm Raku độc đáo và tinh tế như hoa, ly, tạo hình các con vật…
Bà Nguyễn Thị Hồng – Giám đốc Trung tâm Hy vọng cho chia sẻ với Báo Tuổi Trẻ & Đời Sống, thời gian qua, ông Olivier đã bỏ tiền riêng đầu tư khá nhiều cho trung tâm. Từ máy móc đến trang thiết bị làm gốm, tìm nguồn đất sét, đầu ra cho sản phẩm của những người khuyết tật. Nghề gốm tại trung tâm khai sinh và phát triển được là nhờ công của Olivier.
Chia sẻ về dự định trong tương lai, Olivier mong muốn sẽ có thể xây dựng mô hình du lịch “Raku tour”. Tại đó, các du khách khi đến trung tâm sẽ trải nghiệm, cùng làm gốm với những người khuyết tật. Ngoài việc dạy làm gốm, hai vợ chồng ông sẽ dạy tiếng Anh cho các học viên thêm phần tự tin.
Chuyên mục kính chúc quý độc giả một buổi chiều nhiều may mắn và yêu thương!
———–
Đại Kỷ Nguyên News