Đại Kỷ Nguyên

Tổng thống Hàn Quốc đang đấu tranh để ‘dân chủ hóa’ nền kinh tế

Con đường “dân chủ hóa” nền kinh tế vốn phụ thuộc nhiều vào các tập đoàn lớn đầy gập ghềnh cho chính quyền của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.

Ông Cho Imho – chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ Hàn Quốc – không thể giấu nổi vẻ tuyệt vọng khi nhắc đến chính sách kinh tế của chính phủ. Ông Cho Imho bực tức về quyết định nâng lương tối thiểu mới đây của chính phủ Hàn Quốc lên 7.530 won/giờ (6,65USD/giờ), cao hơn 16% so với 1 năm trước đó.

Chính sách tăng lương mới nằm trong kế hoạch hồi sinh nền kinh tế Hàn Quốc bằng cách tăng thu nhập cho người nghèo, và dự kiến sẽ có thêm các biện pháp hỗ trợ khác được đưa ra.

Hình ảnh tại một chợ cá Hàn Quốc. (Ảnh: The Economist)

Theo ông Cho Imho, nhiều doanh nghiệp thuộc Hiệp hội đang cân nhắc đóng cửa. Nhiều công ty khác đã sa thải nhân viên.

“Thật là điên rồ, những gì đang diễn ra là một thảm họa”, ông Cho Imho nói.

Trong tháng gần đây, hàng loạt thông tin việc làm gây thất vọng được công bố cũng như nhiều cuộc biểu tình của doanh nghiệp không khỏi tạo ra tâm lý bất ổn bên trong chính phủ.

Tổng thống Moon Jae-in trước kia đã cam kết sẽ thúc đẩy chiến lược “ưu tiên tăng trưởng thu nhập” vốn được nhiều cử tri ủng hộ. Thế nhưng, giờ đây, ông Moon cũng phải thay đổi chính sách của mình, khẳng định rằng lương tối thiểu sẽ không tăng nhanh như kế hoạch ban đầu.

Nhà tư vấn chính sách cho tổng thống là ông Hong Jang-pyo đã bị cách chức. Nhiều nhà tư vấn khác có liên quan đến chính sách này cũng được đồn đoán sẽ sớm bị sa thải.

Theo số liệu của Cơ quan Thống kê Hàn Quốc, thu nhập của 20% nhóm người thu nhập thấp nhất Hàn Quốc giảm 3,7% trong quý II/2018 so với cùng kỳ năm trước, trong khi thu nhập của nhóm thu nhập cao tăng 12,4%.

Điều này cho thấy tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh hơn dù Tổng thống Moon Jae-in tăng lương để hỗ trợ người nghèo. Và chắc chắn không có bứt phá trong tốc độ tăng trưởng kinh tế vì nó vẫn di chuyển xung quanh mức 3%.

Tuy nhiên, sẽ thật sai lầm nếu cứ áp đặt quan điểm tăng lương tối thiểu tăng là nguyên nhân tạo ra những số liệu thất vọng ở trên. Còn nhiều “thủ phạm” tiềm tàng khác như: Những bất ổn bắt nguồn từ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, những lo lắng về thỏa thuận tự do thương mại của Hàn Quốc với Mỹ cũng như ngành xây dựng tăng trưởng yếu đi khi chính sách tín dụng bị thắt chặt.

Thế nhưng, việc tăng lương tối thiểu quá cao chắc chắn đã gây ra tác động không hề nhỏ.

So sánh thu nhập của lao động làm việc toàn thời gian với thu nhập của người trung lưu. (Ảnh: The Economist)

Chính sách thúc đẩy cải cách các doanh nghiệp nhỏ của ông Moon là điều đúng đắn. Thị trường lao động Hàn Quốc đang bị phân cực ở mức độ lớn giữa các tập đoàn lớn (chaebol) và các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các tập đoàn lớn luôn là nơi làm việc lý tưởng của nhiều lao động vì chế độ đãi ngộ lớn và lương cao nhưng hầu hết người dân Hàn Quốc chỉ được tuyển dụng trong các công ty nhỏ.

Khoảng cách lương tại các tập đoàn lớn và công ty nhỏ là rất xa. Điều này thể hiện qua việc tiền lương cho 10% người có thu nhập thấp gần như không tăng trong hai thập kỷ qua.

Khoảng 10% trong dự thảo ngân sách cho năm 2019 của Hàn Quốc được dành cho chi tiêu tổng thể, với hơn 1/3 trong số đó là cho chi tiêu xã hội. Lương hưu cơ bản sẽ tăng lên, sẽ có nhiều kinh phí hơn cho chăm sóc trẻ em và giúp đỡ các doanh nghiệp nhỏ thuê lao động trẻ.

Tuy nhiên, một số cải cách có thể bị phản tác dụng. Chẳng hạn, khoản trợ cấp nhằm giúp các doanh nghiệp nhỏ tăng lương và khuyến khích thuê thêm lao động tuy có thể giúp kích thích chi tiêu của người nghèo Hàn Quốc nhưng sẽ tạo ra nhiều công ty “xác sống”, vẫn hoạt động nhưng không có lợi nhuận.

Ông Moon Jae-in cũng cam kết “dân chủ hóa” nền kinh tế, có nghĩa là giảm sự thống trị của các tập đoàn lớn. Các đời chính phủ Hàn Quốc trước kia cũng đã từng tuyên bố như vậy nhưng tài sản của giới chaebol vẫn tiếp tục tăng, tương tương với 60% GDP vào năm 2017 của Xứ sở Kim chi. Nói cách khác, giới chaebol đang phát triển nhanh hơn nhiều so với nền kinh tế Hàn Quốc.

Hơn nữa, chính phủ Hàn Quốc cũng cần đến các tập đoàn lớn trong việc thiết lập quan hệ kinh tế với Triều Tiên.

Vào tháng 9 vừa qua, nhiều lãnh đạo nhiều tập đoàn gia đình lớn tại Hàn Quốc bao gồm Phó chủ tịch Samsung Lee Jae Yong, Chủ tịch SK Chey Tae Won, Chủ tịch LG Koo Kwang Mo và 15 lãnh đạo doanh nghiệp khác tham dự phái đoàn có nhiệm vụ thảo luận về kế hoạch kinh doanh với Triều Tiên. Họ là một phần trong sáng kiến “kinh tế mới” trên bán đảo Triều Tiên của chính quyền Tổng thống Moon.

Nhìn chung, công cuộc định hình lại nền kinh tế Hàn Quốc vẫn là một thách thức lớn.

Kiều Ngọc (Tổng hợp)

Exit mobile version