Theo đề án đăng cai Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 và Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 11 năm 2021 của TP. HCM, TP sẽ cần 15.600 tỷ đồng để hoàn thiện việc xây dựng các hạng mục hạ tầng.
Ngoài việc tận dụng tối đa cơ sở vật chất hiện có, sửa chữa, nâng cấp các công trình thể thao đáp ứng các yêu cầu của đại hội, TP. HCM sẽ hạn chế đối đa sử dụng ngân sách nhà nước để xây dựng các công trình thể thao. Để có tiền đầu tư, TP. HCM sẽ đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút các doanh nghiệp và toàn xã hội tham gia góp sức tổ chức SEA Games 31, theo Tuổi trẻ.
Để bảo đảm tiến độ phục vụ SEA Games, ngay từ năm 2018, TP sẽ thực hiện xây dựng một số công trình như: Trung tâm Thể dục thể thao Phan Đình Phùng (Q.3), nơi đây sẽ có Trung tâm báo chí, Trung tâm truyền hình… Tổng vốn đầu tư công trình này khoảng 1.953,8 tỷ đồng, theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng (BT), dự kiến khởi công đầu năm 2018, hoàn thành cuối 2020, theo báo Giao thông.
Trong tổng kinh phí hơn 15.600 tỷ đồng cần chi bao gồm kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho toàn Khu Liên hợp Thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc (180,731ha) và kinh phí chi trực tiếp để đăng cai SEA Games 31.
TP. HCM sẽ xây dựng một sân vận động chính tại Khu Liên hợp Thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc. Sân vận động này có mái che, sức chứa tối thiểu 50.000 chỗ, có đường chạy Điền kinh.
Việt Nam đăng cai SEA Games 31 theo đề nghị của Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho Campuchia đăng cai SEA Games vào năm 2023 thay vì năm 2021.
Theo TP. HCM, SEA Games 31 sẽ diễn ra từ cuối tháng 8/2021 có 11 đoàn thể thao đến từ 11 quốc gia Đông Nam Á với gần 10.000 cán bộ, huấn luyện viên, vận động viên đến tham dự.
Khôi Minh