Đại Kỷ Nguyên

Trai làng đất tổ hò hét bắt lợn cầu may dịp đầu năm

Bắt lợn Ông Cầu là lễ hội tái hiện sinh hoạt của người Việt cổ tại mảnh đất tổ Hùng Vương, Phú Thọ. (Ảnh tổng hợp).

Bắt lợn Ông Cầu là lễ hội tái hiện sinh hoạt của người Việt cổ tại mảnh đất tổ Hùng Vương, Phú Thọ. Việc chuẩn bị, chăm sóc Ông Cầu cũng phải rất chu đáo và kỹ lưỡng.

Hàng năm, cứ vào ngày mùng 5 tết, người dân làng Hà Thạch (Phú Thọ) lại náo nhiệt vui nhộn tham gia hội Lễ hội bắt lợn Ông Cầu. Trong lễ hội có nhiều phần nhưng điểm nhấn chính là hàng chục thanh niên tham gia bắt lợn lấy may đầu năm, theo VnExpress.

Tương truyền, vào thời Vua Hùng, các lạc hầu, lạc tướng thường tổ chức những cuộc đi săn lợn rừng tại vùng đất Hà Thạch để rèn luyện thể lực cho quân sĩ và khao quân sau mỗi lần thắng trận.

Xuân Mậu Tuất 2018, khu 5 được chọn để tổ chức lễ hội. Gia đình ông Trần Văn Thành và ông Trần Văn Hoàng là hai gia đình được xét chọn chăm sóc hai ông Cầu trước mùa lễ hội.

“Để được xét chọn nuôi lợn, gia đình phải đạt tiêu chuẩn: Không có tang, gia đình văn hoá, đủ vợ đủ chồng, con cái có trai có gái. Đây là điều vinh dự của gia đình cũng như họ tộc bởi mỗi gia đình chỉ một lần duy nhất được chọn làm việc này”, ông Trần Văn Thành nói.

Được biết, ông Cầu phải là lợn đực, đen tuyền, đen từ da, lông đến tận móng, mũi… Từ ngày 23 tháng Chạp, ông Cầu sẽ được đưa về nhà mới để nuôi chế độ ăn đặc biệt là cháo hoa. Ngày mùng 5, lợn ăn hoa quả bánh kẹo để giữ thanh khiết, sạch sẽ.

“Nhà” của ông Cầu được làm bằng khung tre, lợp lá cọ, trên nóc phải dựng cờ lễ, hai thanh đao đưa từ đền Trung và đền Nam dựng trên nóc, cửa hướng về phía đền.

“Trải qua những thăng trầm của lịch sử, lễ hội bắt lợn Ông Cầu có những thay đổi, từ năm 1949 lễ hội bị gián đoạn, đến năm 1997 lễ hội được phục dựng theo nguyên gốc nghi lễ cổ”, ông Hà Đình Duyệt, Chủ tế khu 5 xã Hà Thạch cho biết.

15h sau khi làm lễ xong, 10 thanh niên trai tráng được tuyển chọn kỹ lưỡng theo truyền thống sẽ đưa ông Cầu ra khỏi ngôi nhà cọ.

Hai ông Cầu được rước quanh làng, quãng đường khoảng gần 1km. Vừa đi người dân vừa reo hò và nâng cao ông Cầu lên khỏi mặt đất.

Ngay sau khi ra đến sân của làng, ông lợn được thả ra sân cho người dân đuổi bắt và vuốt ve.

Người dân làng Hà Thạch có quan niệm, ai bắt được hoặc chạm vào ông Cầu thì gia đình sẽ gặp nhiều may mắn, làm ăn phát đạt…

Sau hơn 30 phút đuổi bắt, ông lợn được trai tráng đưa lại về chuồng.

Ông Lê Trụ, Phó ban Di tích xã Hà Thạch cho biết, ngoài việc tưởng nhớ công ơn các vị tướng thời Vua Hùng đã có công với dân làng, lễ hội bắt lợn Ông Cầu nhằm tái hiện lại hình ảnh vua Hùng bắt lợn khao quân và rèn luyện sức khoẻ binh lính….

Kết thúc phần hội, hai ông lợn tiếp tục được rước về đình Nam và đình Trung để làm nghi thức tế Thần và Thành Hoàng Làng vào nửa đêm.

(Ảnh: VnExpress)

Xuân Hòa

Exit mobile version