Đại Kỷ Nguyên

Tránh cho vật nuôi chứng kiến đồng loại bị mổ thịt: Việc nhân văn có khó thực thi?

Cảm xúc của động vật khi chứng kiến cảnh bất hạnh, bạo lực với bản thân và đồng loại

Nhiều người đồng tình với điểm mới ở Luật Chăn nuôi 2018 là không để vật nuôi chứng kiến đồng loại bị giết mổ, song có ý kiến cho rằng quy định này đưa ra chưa đúng thời điểm.

Tại Điều 68, Luật Chăn nuôi vừa được Quốc hội thông qua cách đây 1 tháng quy định cấm không được giết mổ vật nuôi trước mặt đồng loại.

Điều luật này đã gây ra tranh luận với nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều người cho rằng, đây là quy định mang tính nhân văn, phù hợp quan niệm nhân đạo truyền thống của người Việt. Đó cũng là sự đối xử cần thiết với vật nuôi, ngoài ra giúp con người tránh ám ảnh về mặt cảm xúc và tâm linh. Nhiều người mong muốn luật áp dụng sớm hơn, không phải đợi đến năm 2020.

Song, có ý kiến lo lắng luật này áp dụng ở Việt Nam chưa đúng thời điểm. Những người này dẫn ví dụ, việc giết mổ vật nuôi trong gia đình, hay ngoài chợ rất khó để đáp ứng tính nhân văn với vật nuôi vì thiếu điều kiện.

Bà Trần Thị Dung – nguyên Giám đốc Trung tâm Tư vấn và quy hoạch thủy sản (Bộ NN&PTNT) khẳng định với Báo Gia đình và Xã hội, quy định nhân văn này không dễ thực hiện.

“Việc không để vật nuôi nhìn thấy đồng loại bị bắt, giết là điều khó tránh khỏi. Thực tế, điều này cũng khó tránh khỏi với các dây truyền giết mổ hiện đại ở các nước Châu Âu. Bởi cho vật nuôi vào dây truyền để xử lý thì chúng vẫn nhìn thấy nhau. Châu Âu còn không làm được, vậy tại Việt Nam, có chắc rằng đưa ra quy định như trên là phù hợp với thực tế?”.

Theo bà, quy định này khả dĩ với những lò mổ công nghiệp tập trung, còn với lò mổ nhỏ lẻ, hay phạm vi gia đình thì chưa thích hợp.

“Quy định tất cả các hoạt động giết, mổ trên cả nước phải đáp ứng, trong khi dân trí, mặt bằng, hạ tầng của ta chưa tốt thì việc ra quy định chưa hẳn phù hợp. Nghĩa là nên ra quy định như trên, nhưng chưa phải ở thời điểm này”.

Dưới góc nhìn của ông Nguyễn Xuân Dương – quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), đây là quy định hợp thời và cần thiết, thể hiện tính nhân văn của người Việt.

“Tôi còn nhớ khi nhỏ tuổi, trước khi hành quyết một con vật nào đó để phục vụ nhu cầu của gia đình, các cụ đều niệm thần chú hóa kiếp cho vật nuôi. Các cụ có câu: “Khuyển mã chi tình” – chó và ngựa là giống vật có tình”, ông Dương nói.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Cục trưởng cục Chăn nuôi. (Ảnh: Nghetinhplus.vn).

Theo ông, quy định này còn mang tính bắt buộc với một nền kinh tế mở, vì một số nước phát triển coi đây là một trong những điều kiện để trao đổi với nhau.

“Nếu như chỉ có năng suất cao, giá thành hạ, chất lượng tốt mà không đối xử nhân đạo với vật nuôi thì người ta cũng từ chối sản phẩm đó. Đơn cử như nước Úc đã từ chối cung cấp bò thịt sang các nước không có quy trình giết mổ nhân đạo với vật nuôi. Ngoài ra, một số nước như Thái Lan, Hàn Quốc, Mỹ… cũng đã đưa vào luật những quy định về việc đối xử nhân đạo với vật nuôi để đảm bảo con vật được đối xử tốt nhất”.

Thực tế, câu chuyện Úc từ chối cấp thịt bò ông Dương kể trên từng là “đòn đau” giáng vào ngành xuất nhập khẩu thực phẩm Việt Nam hai năm trước. Theo Báo Lao Động, vụ việc đáng tiếc xảy ra vào tháng 6/2016 khiến truyền thông nước Úc dậy sóng.

Nó khởi đầu khi trên internet xuất hiện video ghi cảnh 1 người đàn ông cầm búa tạ đập vào đầu 1 con bò trước khi giết thịt tại sân sau của một cơ sở thu mua bò Úc được cho là ở Việt Nam.

Lập tức, các tờ báo của Úc đưa tin sự việc này và bình chú đây là hành động “dã man”. Tổ chức bảo vệ động vật – Animals Australia đã đệ đơn khiếu nại lên Bộ Nông nghiệp nước Úc phải có biện pháp can thiệp để chấm dứt tình trạng giết mổ “gây sốc” như trong video.

Sức ép của truyền thông và người dân khiến trung tuần tháng 6/2018, Úc đã ra lệnh tạm ngưng xuất khẩu gia xúc cho Công ty Animex Hai Phong. Lý do chính là công ty này không đáp ứng được các tiêu chuẩn về đảm bảo đối xử nhân đạo và không gây đau đớn khi giết thịt bò.

Theo ông Dương, dù Úc đã gỡ bỏ lệnh cấm trên, nhưng đây là bài học nhãn tiền để những ai có liên quan nhìn lại mình. Bên cạnh tính cấp thiết của quy định, thì việc thực hiện không khó như nhiều người tưởng tượng bởi ở các cơ sở giết mổ tập trung đều đã thực hiện điều này. Đối với các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, khó kiểm soát thì việc che chắn để những con khác không phải chứng kiến cảnh đồng loại bị giết cũng đơn giản, chỉ cần “1 tấm liếp là xong”.

Minh Tú (Tổng hợp)

Exit mobile version