Triển lãm những bộ phận nội tạng và xác người được nhựa hóa đang diễn ra ở TP.HCM gây chú ý khi lần đầu tiên những thi thể người thật được trưng bày công khai.

Từ bác sỹ tử thần thời chiến tranh thế giới

Josef Mengele là bác sĩ làm việc tại trại tập trung Auschwitz của Đức Quốc xã trong Chiến tranh thế giới 2, được mệnh danh là “bác sỹ tử thần”, do có sở thích dùng con người làm chuột thí nghiệm. Hắn thường thí nghiệm bằng cách phẫu thuật trên các cặp song sinh mà không dùng thuốc gây tê, cắt bỏ bộ phận, moi nội tạng, cắt cụt chân tay, tiêm thuốc vào nhãn cầu để thử thay đổi màu mắt. 

Mengele đã tiêm vi khuẩn gây bệnh Noma vào người hơn 100 cặp song sinh. Vi khuẩn này gây nhiễm trùng miệng hoặc bộ phận sinh dục, tạo những nốt nhọt và khiến cơ thể hoại tử. Sau khi thuốc ngấm cơ thể nạn nhân, một số cặp song sinh có biểu hiện sốt, trong khi những người khác tử vong. Còn những người không đủ sức khỏe thí nghiệm, hắn cho vào phòng hơi ngạt rồi xả hơi giết chết.

Theo số liệu ước tính, hắn đã làm thí nghiệm với khoảng 900 cặp sinh đôi, chỉ có khoảng 50 cặp còn may mắn sống sót.

Năm 1944, khi trong “Trại người Séc” phát bệnh lị, Mengele đã cho thủ tiêu toàn bộ 10.000 tù nhân của trại này bằng hơi ngạt. Tuy nhiên, nhiệm vụ chính của Mengele tại đây là thực hiện các nghiên cứu y học quân sự

Từ năm 1943 cho tới năm 1945, chỉ hai năm, đã có tổng cộng 960.000 người tử vong tại trại tập trung Auschwitz do Mengele cai quản. Trong số đó, phần lớn những người chết là do chính Mengele ra lệnh hoặc trực tiếp là thủ phạm thông qua những thí nghiệm y học kinh hoàng của mình.

Mengele được mệnh danh là bác sỹ tử thần sống trong thời Đức Quốc xã. (Ảnh: theatlantic.com)

Đến những bác sỹ tử thần thời hiện đại

Gunther Von Hagens là người phát minh ra kỹ thuật nhựa hóa các xác chết từ những năm 1977, được gọi là “plastination”. Các xác chết bị lột da, hút dịch, thay bằng nhựa. Sau đó ông ta mua một nhà máy bỏ hoang ở Guben Đức để tiến hành nhựa hóa xác chết, sau đó đem bán các phần thi thể, nội tạng nhựa hóa này dưới tên gọi “thiết bị hỗ trợ giảng dạy môn giải phẫu sinh lý người”. Ngoài ra, ông ta còn tiến hành tổ chức các xác chết nhựa hóa với đủ tư thế khắp nơi trên thế giới, thu về khoản tiền khổng lồ.

Gunther Von Hagens còn tiến hành giải phẫu tử thi công cộng, bán vé cho người đến xem năm 2002 ở Anh, nội tạng được lấy ra khay đưa cho công chúng xem. Gunther Von Hagens được tạp chí Spiegel đặt tên “Thần chết”, nhiều hãng truyền thông cũng liên hệ ông ta với “người đồng nghiệp” thời thế chiến thứ 2 là Mengele, và cũng gọi ông là “bác sỹ tử thần”, “tiến sỹ tử thần”.

Các nước phương Tây luật quy định về hiến tặng cơ thể sau khi chết cho khoa học rất chặt chẽ. Kỹ thuật của Von Hagens lại cần xác tươi, tức là mới chết trong vòng 48 tiếng đồng hồ, nên nguồn cung không dễ kiếm. Von Hagens đã mua các xác chết bất hợp pháp ở Nga và một số nước khác. Tờ Guardian có đăng, năm 2002 cảnh sát Nga đã buộc tội một nhà bệnh lý học đã chuyển cho Von Hagens 56 xác chết để nhựa hóa làm vật phẩm “Triển lãm cơ thể người”.

Gunther Von Hagens được tạp chí Spiegel đặt tên “Thần chết”, nhiều hãng truyền thông cũng liên hệ ông ta với “người đồng nghiệp” thời thế chiến thứ 2 là Mengele. (Ảnh: glasstire.com)

Do luôn gặp vấn đề pháp lý ở châu Âu nên ngay từ những năm 90 thế kỷ 20, Von Hagens đã liên hệ mở “nhà máy” ở Trung Quốc để đảm bảo “nguyên liệu đầu vào”. Nhưng người Trung Quốc nói riêng và những nước Á Đông có ảnh hưởng sâu sắc của Nho giáo: “Thân thể, da tóc, là nhận được từ cha mẹ, không được hủy hoại, là khởi đầu của hiếu” và văn hóa thờ cúng tổ tiên ông bà, nên luôn luôn bảo quản thi thể, chôn cất trang trọng, lấy phần mộ là nơi để con cháu cúng tế. Do đó họ có quan niệm giữ gìn thân thể, ngay cả xác chết, nên vô cùng hiếm người hiến xác cho khoa học.

Mọi việc thay đổi khi Bạc Hy Lai lên làm Thị trưởng thành phố Đại Liên. Tháng 8 năm 1999 Von Hagens được Bạc Hy Lai chấp thuận thành lập công ty nhựa hóa Von Hagens tại Đại Liên. Sự kiện này trùng hợp với sự kiện Giang Trạch Dân và bộ sậu Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang, Lệnh Kế Hoạch, Từ Tài Hậu… khởi xướng cuộc bức hại những người tu luyện Pháp Luân Công, bắt đầu từ 20 tháng 7 năm 1999.

Do bản chất ôn hòa của Pháp Luân Công, quyết định đàn áp vô lý này đã gặp phải sự phản kháng mạnh mẽ, thậm chí ngay cả trong Bộ Chính trị. Để vận động cho chính sách bức hại, ông Giang đã đến thăm thành phố Đại Liên vào tháng 8 năm 1999, và nói với thị trưởng lúc bấy giờ là Bạc Hy Lai: “Hãy cứng rắn với Pháp Luân Công, và ông sẽ có một tương lai tươi sáng”. Theo lệnh của Giang, Bạc đã chỉ đạo những cuộc bắt giữ các học viên đưa vào tù, mở rộng các nhà tù để giam cầm các học viên, và chỉ thị cho công an: “Các người có thể đối xử tệ tùy ý với các học viên Pháp Luân Công, thậm chí khiến họ chết”.

Những xác người trong cuộc triển lãm bị nghi ngờ là của học viên Pháp Luân Công tại Trung Quốc. Một môn khí công ôn hòa bị chính quyền đàn áp từ năm 1999. (Ảnh: youtube.com)

Trò vượt mặt thầy

Ban đầu Von Hagens thuê Tùy Hồng Cẩm, là học trò của ông ta quản lý, tổ chức sản xuất. Tùy Hồng Cẩm sau khi nắm bắt được công nghệ đã bí mật lập nhà máy, công ty riêng, và bắt tay với Premier Exhibitions, một công ty triển lãm các sự kiện quốc tế có trụ sở ở Mỹ để triển lãm thi thể nhựa hóa trên thế giới, trở thành đối thủ cạnh tranh với thầy. Người ta ước tính rằng Tùy Hồng Cẩm đã bán gần 1.000 mẫu vật cho các nước khác nhau từ năm 2004.

Theo Đài Á Châu Tự Do, một bộ cơ thể người nhựa hóa có thể bán được 1 triệu đô la. Với món lời lớn, lại được Bạc Hy Lai bảo trợ, “nguồn cung dồi dào” nên số tiền kếch xù cứ ào ào chảy về. Theo chân Von Hagens và Tùy Hồng Cẩm, nhiều nhà máy nhựa hóa cơ thể người khác đã liên tiếp mọc lên, biến Trung Quốc thành nước xuất khẩu xác chết số 1 thế giới.

Nghiên cứu khoa học hay hành ác?

Bác sỹ tử thần Mengele giết người, làm thí nghiệm trên cơ thể sống, cắt chân, tay người, mổ tạng không dùng thuốc gây mê… Ông ta không cho rằng đó là tội ác, vì những tù nhân đó là “Kẻ thù của nước Đức quốc xã”. Ông ta coi hành động giết người của mình là giết kẻ thù. Các thí nghiệm vô nhân tính hủy hoại và giết chết người thí nghiệm được ông ta coi là làm khoa học, “vì chủng tộc người Đức siêu việt”.

Còn tiến sỹ tử thần Von Hagens và Tùy Hồng Cẩm, cũng lấy danh nghĩa nghiên cứu khoa học, để sinh viên các trường đại học học tập, để người xem hiểu được cấu tạo cơ thể người. Đây hoàn toàn là lý lẽ ngụy biện của những kẻ có đầu óc biến dị, kỳ quái, và là cái cớ để kiếm tiền.

Nhựa hóa cơ thể người là khoa học hay tội ác? (Ảnh: youtube.com)

Nếu để nghiên cứu khoa học và giành cho sinh viên đại học, thì những mẫu phẩm như thế này không được phơi bày ra công chúng. Như thế khác nào nhà bảo quản xác chết mở cửa cho công chúng xem xác chết, các lò mổ mở cửa cho công chúng xem giết động vật?

Nếu để giới thiệu với công chúng về bí mật cơ thể người, thì với công nghệ 3D như hiện nay, hoàn toàn có thể chế tạo các tiêu bản bằng vật liệu nhân tạo thay thế để triển lãm. Cho dù chế tạo tiêu bản vật liệu thay thế thì vẫn không thích hợp với công chúng. Trong nghiên cứu khoa học, những sinh viên, bác sỹ, tiến sỹ có hiểu biết sâu về giải phẫu cơ thể người, có quá trình học tập, tiếp xúc với cơ thể, xác chết rất lâu dài, có đủ kiến thức và tâm lý đối diện với các tiêu bản, nhưng cũng chỉ giới hạn trong trường học và phòng thí nghiệm.

Gieo rắc cái ác cho công chúng

Con người tính bản thiện, nhưng cũng đồng thời chứa mầm ác. Do đó ngay từ nhỏ cần giáo dục con người khuyến thiện, hướng thiện mà tránh xa cái ác. Tuy nhiên, giáo dục hiện đại không chú trọng đến giáo dục nhân cách người ngay từ nhỏ, khiến nhiều trẻ em đã nuôi dưỡng mầm ác lớn lên, nó át chế cái bản tính thiện lương.

Biểu hiện của trẻ nuôi mầm ác là thích hành hạ con vật, thích giết côn trùng, thích xem những phim, hoạt hình ma quỷ, quái ác. Những em nhỏ có biểu hiện như vậy là do không được cha mẹ chú ý nuôi dưỡng bản tính thiện, ức chế cái mầm ác, nên dần dần đi theo hướng hành ác. Khi những trẻ này lớn lên thì thường thích thú với những cái ác, rùng rợn, ma quái, thích hành hạ người khác, thích giết súc vật, thậm chí phạm tội ác như những bác sỹ tử thần này, mà không thừa nhận đó là việc ác.

Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu, những người vẫn chú ý nuôi dưỡng thiện lương, thường họ sẽ tìm mọi cách không tiếp xúc với cái ác, cái xấu, họ hay tìm đến những nơi trang nghiêm, tâm linh, yên tĩnh để nuôi dưỡng tâm hồn. Với họ, phương châm sống là hành thiện tích đức:

Bớt nghe bớt nói bớt nhìn
Để tâm thanh tịnh cho mình bình an.

Bộ não người như cái thùng chứa. Vậy nên hãy làm một người có trí huệ, lựa chọn cho mình những điều thiện lương và tốt đẹp! (Ảnh: pixabay.com)

Nếu con người thường xuyên tiếp xúc với cái ác, với chém giết chết chóc, dần dà họ sẽ trơ lỳ về cảm giác, không cảm nhận được đau khổ của người khác, chỉ làm thể nào thỏa mãn ham muốn cá nhân, và cuối cùng sẽ hành ác thậm chí phạm tội ác. Rất nhiều trường hợp các em mê game, đã quen với chém giết trong trò chơi, đã giết người cướp của để thỏa mãn ham muốn chơi game của mình, đó là minh chứng rất rõ ràng cho tác hại của việc tiếp xúc với cái không lành mạnh như chết chóc, bạo lực, ma quái… 

Những người thực sự giữ gìn cái tâm hướng thiện, họ không bao giờ đi xem các cuộc triển lãm như thế này, nếu không phải là công việc bắt buộc. Đại đa số khán giả đều là do hiếu kỳ đến xem. Có khán giả thấy ghê rợn, nhiều mẫu vật không dám mở mắt xem, về nhà bị ám ảnh, kinh hãi, mất cân bằng tâm lý một thời gian. 

Chúng ta cần lý trí trước khi làm bất cứ việc gì, không nên vì tò mò mà gây ra hậu quả xấu cho bản thân sau này. Hơn nữa, nguồn cơ thể người này đang bị dư luận thế giới đặt dấu hỏi, phía sau là tội ác tày trời đang bị che giấu, đơn vị triển lãm chưa bao giờ cung cấp được bằng chứng hợp pháp như “Giấy hiến tặng cơ thể”, tên tuổi người hiến tặng… Nói tóm lại, các mẫu phẩm triển lãm kia là ai, xuất xứ từ đâu, hợp pháp hay không… đến nay vẫn bị trùm trong màn đen bí ẩn.

Tam Nhật