Lượng trái phiếu kho bạc Mỹ do Trung Quốc nắm giữ trong tháng 7 đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 6 tháng khi cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới leo thang, theo Bloomberg.
Theo số liệu do Bộ Tài chính Mỹ công bố ngày 18/9, lượng trái phiếu, tín phiếu và hối phiếu của Mỹ do Trung Quốc nắm giữ đã giảm 10 tỷ USD xuống 1,17 nghìn tỷ USD vào tháng 7, mức thấp nhất kể từ tháng 1/2018.
Trong khi đó, chủ nợ lớn thứ hai của Mỹ là Nhật Bản lại nâng mức nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ lên 1,04 nghìn tỷ USD trong tháng 7, tăng 5,04 tỷ USD so với tháng 6.
Các chủ nợ khác của Mỹ như Ảrập Xê út, Đài Loan, Singapore và Pháp cũng đã tăng lượng nắm giữ trái phiếu Mỹ.
Động thái bán ra trái phiếu kho bạc Mỹ của Trung Quốc khiến nhiều người cho rằng đây là bước đi nhằm đáp trả hành động Mỹ áp thuế lên hàng chục tỷ USD hàng hóa Trung Quốc trong tháng 7.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng Trung Quốc không thể dùng trái phiếu kho bạc Mỹ mà nước này đang nắm giữ làm một thứ “vũ khí” để tấn công lại Washington trong cuộc chiến thương mại.
Các chuyên gia tại Ngân hàng NatWest Markets nhận định việc Trung Quốc bán ra trái phiếu kho bạc Mỹ chỉ nhằm hỗ trợ cho đồng nội tệ của nước này, vốn đã giảm giá 5% so với đồng USD kể từ khi cuộc chiến thương mại bắt đầu nổ ra vào đầu tháng 7.
“Điều này không đáng ngạc nhiên vì đồng Nhân dân tệ đã giảm mạnh trong suốt tháng 7”, ông John Briggs, chiến lược gia tại NatWest Markets, chia sẻ.
Theo ông Zhang Lin, nhà nghiên cứu tại Viện Kinh tế Unirule tại Bắc Kinh, Trung Quốc sẽ tự làm tổn thương chính mình nếu như bán tháo trái phiếu kho bạc Mỹ.
Về lý thuyết, việc Bắc Kinh nắm giữ trái phiếu chính phủ Mỹ là vũ khí quyền lực trong chiến tranh thương mại. Nhưng thực tế, trong lĩnh vực này, “chủ nợ” lại ở vị thế yếu hơn “con nợ”. Trung Quốc sẽ không thể gây áp lực lên Washington bằng cách đe doạ bán sạch trái phiếu Mỹ vì nước này đã đầu tư khoảng 60% dự trữ ngoại hối quốc gia, chủ yếu bằng đồng USD, vào trái phiếu Mỹ.
Điều quan trọng hơn, Bắc Kinh cũng muốn bảo đảm giá trị của đồng USD vì đồng bạc xanh này là công cụ ngoại giao quan trọng để Trung Quốc mua sức ảnh hưởng tại Châu Á và Châu Phi qua chính sách cho vay lãi suất thấp và trợ cấp.
Chưa kể, để tìm được người mua số lượng lớn trái phiếu, kỳ phiếu và tín phiếu của Mỹ, Trung Quốc phải bán kèm chính sách hạ giá. Nhưng động thái đó sẽ làm giảm đáng kể tài sản của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, làm suy yếu đòn bẩy tài chính của Bắc Kinh cũng như tầm ảnh hưởng của họ trên thị trường quốc tế.
Trong tháng 7, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc thậm chí tăng lên 3,12 nghìn tỷ USD.
Nhân dân tệ đã giảm hơn 8% kể từ cuối tháng 3, còn thị trường chứng khoán Trung Quốc sụt hơn 16%. Diễn biến này khiến các loại tài sản của Trung Quốc lọt vào danh sách những tài sản mất giá mạnh nhất thế giới năm nay.
Kiều Ngọc (Tổng hợp)