Đại Kỷ Nguyên

Trung Quốc cấm nhập, phế liệu về Việt Nam tăng gấp đôi

Việt Nam có nguy cơ trở thành bãi rác của thế giới. (Ảnh: VnEconomy)

Việc Trung Quốc thực hiện chính sách cấm nhập khẩu 24 loại phế liệu đã khiến hoạt động nhập khẩu phế liệu của Việt Nam có chiều hướng gia tăng bất thường, nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường. 

Tại buổi họp báo chiều 30/7, Tổng cục Hải quan cho biết số lượng phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam năm 2017 tăng gấp đôi so với năm 2016. Trong đó, khối lượng sắt, thép, nhựa, giấy và xỉ hạt nhỏ là những loại phế liệu nhập khẩu có khối lượng tăng từ 200-400% so với năm 2016.

Đáng chú ý, 5 tháng đầu năm 2018, khối lượng nhựa phế liệu nhập khẩu tăng đột biến gần 200% so với cả năm 2017. Tuy nhiên, nhiều lô hàng phế liệu nhập khẩu không đáp ứng các điều kiện quy định về bảo vệ môi trường nên doanh nghiệp không đến làm thủ tục hải quan hoặc không được cơ quan hải quan giải quyết các thủ tục, dẫn đến lượng phế liệu tồn đọng lớn tại các cảng.

Phát biểu tại buổi họp báo, đại diện Tổng cục Hải quan còn cho biết thời gian qua vẫn còn tình trạng một số doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu nhưng lại khai là hàng đã qua sử dụng như màng nhựa, bao tải dứa… nhằm trốn tránh các quy định về bảo vệ môi trường.

Theo quy định, hiện chỉ có 3 mặt hàng phế liệu được cấp phép đạt quy chuẩn quốc gia về bảo vệ môi trường là sắt thép, nhựa và giấy. Tuy nhiên, thực tế nhiều lô hàng khai báo là thép phế liệu, song khi kiểm tra lại có lẫn tạp chất nhựa, gỗ, dầu mỡ nên lô hàng đó xác định là chất thải.

Để tránh tình trạng Việt Nam trở thành bãi rác của thế giới, cơ quan hải quan cho biết sẽ siết chặt phế liệu nhập khẩu từ xa khi hàng hóa vẫn còn trên tàu, không dỡ hàng xuống đối với chất thải phế liệu không đáp ứng tiêu chuẩn.

Hơn 5.000 container phế liệu ứ đọng tại các cảng của Việt Nam. (Ảnh: Dân trí)

Liên quan đến tình trạng cả nước đang tồn hơn 5.000 container phế liệu các loại tại các cảng, đại diện Tổng cục Hải quan cho hay cơ quan này sẽ tiến hành rà soát phân loại theo quy định của pháp luật. Với các hàng hóa gây ô nhiễm môi trường, chủ hàng sẽ phải chịu trách nhiệm vận chuyển ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Trong trường hợp chủ hàng cố tình bỏ trốn không chịu trách nhiệm, cơ quan điều tra sẽ vào cuộc.

Vỹ An

Exit mobile version