Trong 4 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc chiếm tới hơn 2/3 tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam. Trong khi đó, hai thị trường lớn tiếp theo là Mỹ và Nhật Bản chỉ chiếm chưa đến 3%.
Trong tháng 4, xuất khẩu rau quả đạt kim ngạch 353,782 triệu USD, đưa kim ngạch 4 tháng đầu năm lên 1,32 tỷ USD, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dù đạt được con số khả quan, nhưng điều khiến các chuyên gia thị trường lo ngại là xuất khẩu rau quả của Việt Nam vẫn phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc.
Tính trong 4 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc chiếm 77% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam. Trong khi đó, thị trường Mỹ đứng thứ 2 chỉ chiếm 2,84% và thị trường thứ 3 là Nhật Bản cũng chỉ chiếm 2,7%.
Điều này đồng nghĩa thị trường Trung Quốc có khoảng cách rất xa so với mọi thị trường còn lại.
Đã nhiều năm nay, xuất khẩu rau quả của Việt Nam phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Đơn cử như năm 2017, xuất khẩu sang thị trường láng giềng này đạt 2,65 tỷ USD, chiếm 75,7% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước.
Theo ông Nguyễn Minh Châu – nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, Trung Quốc vẫn được xác định là thị trường xuất khẩu rau quả quan trọng của Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam cần phải đa dạng nhanh thị trường xuất khẩu để giảm thiểu rủi ro khi quá phụ thuộc vào một thị trường, gây nên tình trạng ép giá.
Với thị trường Trung Quốc, để tiếp tục giữ vững và tăng trưởng tốt về xuất khẩu rau quả, Việt Nam cần tính toán lại về cơ cấu của một số loại cây ăn trái, trong đó quan trọng nhất là cây thanh long.
Hiện nay, thanh long vẫn đang là loại trái cây xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam, cũng là trái cây chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn nhất sang Trung Quốc.
Ngành rau quả nói riêng, xuất khẩu nông sản nói chung đang đề ra chủ trương phải đa dạng hóa thị trường, “tấn công” vào các thị trường tiềm năng khác. Thế nhưng, bên cạnh niềm vui tăng trưởng xuất khẩu toàn cục, những năm qua xuất khẩu rau quả lại sụt giảm ở nhiều thị trường như Campuchia, Hồng Kông, Kuwait.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, xuất khẩu mặt hàng này vẫn phải đối mặt với một số khó khăn từ các thị trường. Chẳng hạn, tại thị trường Ấn Độ, xuất khẩu gặp nhiều rủi ro vì phải chấp nhận phương thức thanh toán trả sau.
Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), người dân cũng đón nhận tin vui khi ngay trong những ngày đầu tháng 4 vừa qua, quả chôm chôm vượt qua nhiều rào cản khắt khe để có mặt tại New Zealand. Việc chính thức xuất khẩu chôm chôm vào thị trường này là cơ hội cho doanh nghiệp nói riêng, trái cây Việt Nam nói chung hoàn toàn có thể thâm nhập các thị trường giá trị kinh tế cao.
Đến nay, Cục Bảo vệ thực vật đã cấp được gần 6.000 mã số vùng trồng đối với thanh long, xoài, nhãn, chôm chôm, vải… Cục đang phối hợp với các địa phương tiếp tục mở rộng cấp thêm mã số cho những vùng nguyên liệu phục vụ xuất khẩu.
Bên cạnh việc tổ chức lại thị trường, để gia tăng giá trị rau quả, tránh tình trạng “được mùa rớt giá”, nông dân bị động trong tiêu thụ nông sản, ngoài 145 doanh nghiệp tham gia chuỗi chế biến rau quả, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã và đang phối hợp với các doanh nghiệp tiếp tục xây dựng thêm 7 nhà máy chế biến nông sản với công suất quy mô vùng và khu vực.
Quang Minh