Lãnh đạo Bộ Công thương cho biết phía Trung Quốc đang tích cực xem xét cho phép nhập khẩu chính ngạch thịt lợn, thủy sản, các sản phẩm sữa và rau quả từ Việt Nam.
Theo trang tin Một Thế giới, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã đưa ra thông tin trên tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) về hợp tác trên tuyến đường vận tải liên vận Hà Nội – Quảng Tây – Trùng Khánh – châu Âu.
Ông Khánh cho biết các bộ, ngành phía Trung Quốc đang tích cực xem xét hoàn tất các thủ tục đánh giá rủi ro, cho phép thủy sản, lợn và thịt lợn, sữa và các sản phẩm sữa và một số loại hoa quả như na, bưởi da xanh, chanh leo… của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Tuy nhiên, tiến độ đánh giá vẫn còn chậm, nên Bộ Công Thương đề nghị tỉnh Quảng Tây báo cáo lên phía chính phủ Trung Quốc để đẩy nhanh tiến độ công tác này.
Nhiều năm qua, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu thịt lợn và nhiều mặt hàng nông sản, thủy sản khác sang Trung Quốc theo con đường tiểu ngạch. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu theo hình thức này chưa xứng với tiềm năng của Việt Nam.
Theo các chuyên gia, để xuất chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, Việt Nam cần phải tái cơ cấu ngành sản xuất theo hướng liên kết, hình thành chuỗi khép kín từ trang trại đến bàn ăn.
Riêng với lợn, Việt Nam cần đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, tạo ra các giống lợn chất lượng, năng suất. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh khâu chế biến để có nhiều sản phẩm từ thịt lợn, đa dạng hóa sản phẩm mới có thể thúc đẩy tiêu thụ cả trong và ngoài nước.
Các cơ quan liên quan như Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao cần phối hợp với Bộ Nông nghiệp để tăng cường xúc tiến thương mại, tìm hiểu thị trường nhằm nắm bắt được phong tục tập quán, thói quen ăn uống, hàng rào kỹ thuật của các nước, từ đó tổ chức sản xuất trong nước để đáp ứng yêu cầu các nước nhập khẩu.
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), để chuẩn bị cho việc xuất khẩu thịt lợn chính ngạch sang Trung Quốc, Việt Nam cần hoàn thiện hồ sơ đáp ứng đúng các yêu cầu của Trung Quốc, chứng minh đã kiểm soát tốt dịch bệnh lở mồm long móng. Sắp tới phía Trung Quốc sẽ cử một đoàn sang khảo sát tình hình kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam. Nếu Việt Nam thực sự đã kiểm soát tốt dịch bệnh, Trung Quốc có thể sẽ mở cửa nhập khẩu lợn chính ngạch của Việt Nam ngay trong năm nay.
Hiện tại, giá lợn hơi trong nước đang tăng cao, nhưng Cục Chăn nuôi cho biết chủ yếu là nhờ nhu cầu trong nước, trong khi xuất khẩu tiểu ngạch không nhiều.
Khảo sát của VTV cho thấy giá lợn hơi tại Việt Nam từ đầu tháng 5 đến nay đang dao động từ 41.000-46.000 đồng/kg, mức cao nhất kể từ tháng 7/2017. Với mức giá này, người chăn nuôi đã có thể lãi trên 1 triệu đồng/con sau khi trừ các khoản chi phí.
Còn nhớ, giá lợn năm ngoái có thời điểm xuống mức thấp kỷ lục 15.000 đồng/kg, thậm chí rẻ hơn giá một số loại rau, khiến người nuôi lỗ nặng, ngành chăn nuôi lợn rơi vào cảnh bế tắc. Nguyên nhân khi đó được xác định là do mất cân đối cung cầu, một phần vì người chăn nuôi tăng đàn để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu tiểu ngạch của Trung Quốc. Nhưng khi Trung Quốc hạn chế nhập khẩu, giá lợn trong nước đã đột ngột giảm vì nguồn cung dư thừa.
Hiện tại, tỉnh Quảng Tây chiếm khoảng 1/3 tổng kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam với Trung Quốc. Năm 2017, kim ngạch thương mại Việt Nam – Quảng Tây đạt 24,12 tỷ USD (tăng 0,4%), trong đó Quảng Tây xuất khẩu sang Việt Nam trên 13,77 tỷ USD (giảm 0,7%), còn nhập khẩu trên 10,35 tỷ USD (tăng 2%).
Trong cuộc làm việc với lãnh đạo Quảng Tây, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng đề cập đến việc truy xuất nguồn gốc hoa quả nhập khẩu từ Việt Nam. Ông Khánh cho rằng cần có thời gian để doanh nghiệp 2 bên có thể thích nghi với quy định mới của phía Trung Quốc, nên đề nghị phía Quảng Tây xem xét dành thời gian quá độ cho Việt Nam trong vấn đề truy xuất nguồn gốc hoa quả nhập khẩu.
Phía Quảng Tây cho biết, đầu tháng 5 vừa qua cơ quan chuyên môn của 2 bên đã tiến hành nhóm họp, trong đó yêu cầu cơ quan kiểm dịch phía Việt Nam sớm cung cấp danh sách vườn trồng để tạo thuận lợi cho công tác truy xuất nguồn gốc hoa quả nhập khẩu.
Minh Tuệ tổng hợp