Đại Kỷ Nguyên

Trung Quốc gia tăng sức ảnh hưởng khi trở thành ‘xưởng in tiền’ cho nhiều nước

Các nhà máy in tiền ở Trung Quốc đang nhận được ngày càng nhiều đơn đặt hàng in tiền cho các quốc gia khác trên thế giới, tờ SCMP cho hay.  

Nhiều nguồn tin từ Tổng công ty In và Đúc tiền Trung Quốc (CBPMC) chia sẻ với SCMP vào tháng 7 rằng các nhà máy sản xuất tiền trên khắp quốc gia này đang hoạt động gần như hết công suất nhằm đáp ứng chỉ tiêu cao bất thường mà chính phủ đặt ra trong năm nay.

Tuy nhiên, hầu hết những đơn đặt hàng sản xuất tiền đều từ nước ngoài trong khi đồng Nhân dân tệ chỉ chiếm một phần nhỏ trong số đơn đặt hàng in tiền. Phần lớn các hợp đồng in tiền đến từ các nước tham gia vào sáng kiến “Nhất đới Nhất lộ” do Trung Quốc khởi xướng.

Có trụ sở tại Bắc Kinh, CBPMC được xem là công ty sản xuất tiền lớn nhất thế giới về quy mô. Với hơn 18.000 công nhân, công ty có 10 nhà máy in tiền giấy và đúc tiền xu. Các nhà máy này luôn trong tình trạng được bảo vệ nghiêm ngặt.

Trong khi đó, Cục In đúc tiền của Mỹ chỉ có chưa đầy 2.000 công nhân và hai nhà máy, còn Công ty In tiền De La Rue của Anh có hơn 3.100 công nhân.

Sự nổi lên của hoạt động thanh toán bằng thiết bị di động ở Trung Quốc những năm gần đây đã làm giảm mạnh việc sử dụng và nhu cầu tiền giấy.

Từ thành phố đến các vùng nông thôn Trung Quốc, điện thoại thông minh đã trở thành ví tiền. Hầu hết giao dịch tại các cửa hàng thực phẩm giờ đây đã được thanh toán điện tử, dẫn tới việc nhiều nhà máy in tiền của quốc gia đông dân nhất thế giới rơi vào tình trạng thiếu việc làm.

Công nhân tại nhà máy in tiền Trung Quốc. (Ảnh: SCMP)

Nhưng tình cảnh thiếu việc làm đã bất ngờ chấm dứt vào năm nay.

Một công nhân của nhà máy in tiền 604 Factory tại tỉnh Hà Bắc cho biết nhà máy in tiền lớn nhất Trung Quốc này bất ngờ nhận được loạt đơn hàng lớn.

“Máy móc của chúng tôi phải hoạt động hết công suất trong mấy tháng nay”, người công nhân làm việc tại nhà máy này chia sẻ. Các đơn hàng đột ngột tăng lên khiến một số nhà máy phải đôn đáo để hoàn thành đúng thời hạn.

Theo ông Liu Guisheng, Chủ tịch CBPMC, Trung Quốc không hề sản xuất tiền cho nước ngoài cho tới thời điểm gần đây.

Năm 2013, khi Trung Quốc khởi động sáng kiến “Vành đai và Con đường” với 60 nước dự kiến tham gia, tình hình đã có sự thay đổi nhất định.

Hai năm sau khi sáng kiến được thành lập, nước này bắt đầu in đồng 100 Rupee cho Nepal. Kể từ đó, công ty đã “nắm bắt thời cơ mà sáng kiến mang lại” và “nhận hàng loạt hợp đồng in tiền từ các nước như Thái Lan, Bangladesh, Sri Lanka, Malaysia, Ấn Độ, Brazil, và Ba Lan”, ông Liu nói.

Nhưng theo một nguồn tin, đây mới chỉ là phần nổi của tảng băng.

Số lượng quốc gia thực tế đã hoặc sắp có kế hoạch thuê công ty Trung Quốc in tiền lớn hơn rất nhiều. Một số chính phủ đã yêu cầu Bắc Kinh không công khai các thương vụ này vì lo ngại thông tin trên có thể gây ảnh hưởng tới an ninh quốc gia hoặc tạo ra “những cuộc tranh luận không cần thiết” trong nội bộ đất nước.

Giáo sư kinh tế Hu Xingdou tại Học viện Công nghệ Bắc Kinh nói rằng một quốc gia phải có niềm tin lớn vào chính phủ Trung Quốc mới có thể cho phép Trung Quốc in tiền như vậy.

“Bức tranh kinh tế thế giới đang trải qua những thay đổi chóng mặt. Khi trở nên lớn mạnh hơn, Trung Quốc sẽ bắt đầu thách thức hệ thống giá trị do phương Tây thiết lập trước đó. In tiền cho các quốc gia khác là một bước đi quan trọng trong quá trình này”, ông Hu nói.

Ông Hui nhận định thêm: “Tiền là biểu tượng chủ quyền của một quốc gia. Công việc in tiền giúp xây dựng niềm tin, và thậm chí là liên minh tiền tệ”.

Chính quyền Bắc Kinh coi việc in tiền cho quốc gia khác có sức mạnh như chương trình “bom nguyên tử” giúp giữ vững an ninh quốc gia trong bối cảnh nền kinh tế nước này đang bị lung lay.

Thị trường in tiền thế giới vốn bị chi phối bởi các công ty bởi các công ty phương Tây. Một số quốc gia tự sản xuất tiền của chính mình nhưng cũng có nhiều nước đi thuê các công ty nước ngoài.

Chẳng hạn, công ty in tiền De La Rue có hơn 140 quốc gia là khách hàng, hay công ty Giesecke & Devrient (Đức) nhận in tiền cho 60 nước.

Trở ngại lớn nhất đối với một quốc gia khi thuê in tiền ngoài lãnh thổ của mình là rủi ro về an ninh.

Cách đây 7 năm, khi nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi còn cầm quyền ở Libya, Chính phủ Anh đã thu giữ số tiền Dinar trị giá gần 1,5 tỷ USD mà De La Rue sản xuất cho Libya. Vụ bắt giữ lô tiền này đã gây ra tình trạng thiếu tiền mặt nghiêm trọng ở Libya, góp phần gây sức ép khiến chính quyền Gaddafi sụp đổ.

Sự gia tăng nhanh chóng về đơn hàng của công ty Trung Quốc trong những năm gần đây đã khiến họ có vị thế nhất định trong thị trường.

Theo báo cáo của De La Rue, công ty in và đúc tiền Trung Quốc giờ đã chiếm khoảng 1/3 thị phần in tiền toàn cầu. Lợi thế của Trung Quốc chính là chi phí rẻ so với các đối thủ phương Tây.

Kiều Ngọc

Exit mobile version