Trung Quốc được đánh giá là thị trường tiềm năng cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, nhưng cho đến nay các doanh nghiệp Việt vẫn còn thiếu nhiều thông tin về thị trường này, dẫn tới việc đầu tư, sản xuất gặp nhiều khó khăn.
Trung Quốc hiện là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), quốc gia đông dân nhất thế giới chiếm tới 75% thị trường xuất khẩu nông sản Việt Nam.
Số liệu thống kê của Bộ Công Thương cho thấy tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam năm 2016 đạt 2,5 tỷ USD, trong đó xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 1,74 tỷ USD.
Năm 2017, xuất khẩu rau quả tăng trưởng thêm 1 tỷ USD và Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ chính (đạt 2,65 tỷ USD). Lũy kế 6 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu nông, thủy sản sang Trung Quốc đạt 3,7 tỷ USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp và người dân hiện vẫn rất thiếu thông tin dự báo, nắm bắt nhu cầu từ thị trường Trung Quốc cho định hướng sản xuất.
Thanh niên dẫn lời đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong số hơn 20 loại trái cây xuất khẩu sang Trung Quốc, hiện chỉ có 8 loại xuất khẩu chính ngạch, còn lại là theo đường tiểu ngạch. Đối với nhóm này, nếu không có nghiên cứu, dự báo về thị trường thì khi Trung Quốc siết chặt quản lý, nông sản Việt Nam sẽ bị dồn ứ, tồn đọng lại ở cửa khẩu rất nhiều.
Đại diện Thương hội Xuất nhập khẩu hoa quả Trung Quốc – ASEAN cho biết xuất khẩu nông sản của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc thường xuyên không ổn định. Nguyên nhân chính là do một số hoa quả Việt Nam xuất khẩu sang trong khi Trung Quốc cũng đã trồng được như dưa hấu.
Vị đại diện này cho rằng, để hạn chế tình trạng phải bán lỗ vốn, doanh nghiệp Việt Nam phải nắm được thông tin nhu cầu thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam phải xây dựng những thương hiệu riêng, chất lượng đảm bảo để nâng cao sức cạnh tranh.
Đồng tình với ý kiến này, lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, trong thời gian tới, để tăng kim ngạch xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc, bên cạnh việc tập trung vào những mặt hàng và thị trường truyền thống như Quảng Đông, Quảng Tây và Vân Nam, Bộ Công Thương sẽ có kế hoạch đưa hàng nông, thủy sản thâm nhập các địa bàn tiềm năng như Tứ Xuyên, Giang Tô, Chiết Giang và Phúc Kiến.
Vỹ An