Đây không phải là lần đầu tiên kiểm toán Trung Quốc phát hiện một số chính quyền địa phương thổi phồng số thu ngân sách và huy động vốn một cách bất hợp pháp.
Việc giả mạo số liệu này một lần nữa lại làm giảm uy tín và hình ảnh của Trung Quốc trên chính trường quốc tế.
Theo hãng tin Bloomberg, Cơ quan Kiểm toán Quốc gia Trung Quốc (NAO) trong một thông báo trước đó trong tháng này cho biết có 10 thành phố, quận/huyện thuộc các tỉnh Vân Nam, Hồ Nam, Cát Lâm và Trùng Khánh đã thổi phồng số thu ngân sách thêm 1,55 tỷ Nhân dân tệ (234 triệu USD).
Việc kiểm tra số liệu quý III/2017 cũng phát hiện thấy 5 thành phố và quận huyện ở các tỉnh Giang Tây, Thiểm Tây, Cam Túc, Hồ Nam và Hải Nam, đã huy động khoảng 6,43 tỷ Nhân dân tệ trong các khoản nợ, bằng cách vi phạm các quy định của luật pháp như cung cấp các thư cam kết bảo lãnh tín dụng.
Những phát hiện này của NAO là một một cú đòn giáng mạnh vào Trung Quốc khi nước này đang nỗ lực kiềm chế sự gian lận số liệu, vốn hay xảy ra ở một số tỉnh nghèo hơn, nơi các quan chức địa phương có động cơ nâng các số liệu kinh tế như là một cách để thăng tiến trong sự nghiệp của mình.
Những lo ngại từ các nhà đầu tư, mong muốn có được số liệu tin cậy từ nền kinh tế lớn thứ hai của thế giới, đã buộc chính phủ Trung Quốc phải tìm cách loại bỏ số liệu giả mạo. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong tháng 3/2017 tuyên bố rằng gian lận số liệu “phải được ngăn chặn”.
Mặc dù các nhà đầu tư chứng khoán có thể nhanh chóng quên đi những tin tức xấu, và vẫn mua vào nhiều cổ phiếu hơn, nhưng đối với trái phiếu chính phủ Trung Quốc, với lãi suất hiện đã tiến gần mức giới hạn 4%, sự mất uy tín vì số liệu giả mạo này có thể gây nguy hiểm cho nền kinh tế.
Tháng 4/2107, Cơ quan Kiểm toán Quốc gia đã thành lập một bộ phận giám sát mới để tăng cường và đảm bảo tính xác thực và chất lượng của số liệu.
Tháng 9/2017, Cục thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết nước này cũng đang chuyển sang tiêu chuẩn thống kê mới nhất của Liên Hợp quốc, sử dụng máy tính chứ không phải các báo cáo địa phương để tính tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các tỉnh.
Phạm Duy