Ban lãnh đạo cấp cao Trung Quốc lần đầu tiên công khai thể hiện sự lo ngại về tốc độ tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế nước này kể từ khi nổ ra cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc, cơ quan hoạch định chính sách tối cao gồm 25 ủy viên do Chủ tịch Tập Cận Bình dẫn đầu, ngày 31/10 đã thừa nhận rằng kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với nguy cơ bị sụt giảm trong bối cảnh có “những thay đổi sâu sắc” từ môi trường bên ngoài.
Sự thừa nhận này cho thấy một sự thay đổi so với 3 tháng trước, khi đó Bộ Chính trị Trung Quốc chỉ đề cập môi trường bên ngoài có “những chuyển biến đáng chú ý”.
Theo SCMP, đây là lần đầu tiên ban lãnh đạo cấp cao Trung Quốc công khai bày tỏ những quan ngại về tốc độ tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế nước này kể từ khi cuộc chiến thương mại với Mỹ nổ ra từ tháng 7.
Trong báo cáo kinh tế mới nhất, Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của Trung Quốc trong tháng 10 chỉ đạt 50,2 điểm, giảm 0,6 điểm so với tháng 9 và là mức thấp nhất kể từ tháng 7/2016. Đây là hệ quả của sự sụt giảm đáng kể về nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc trong thời gian vừa qua.
Trước đó, số liệu do Tổng cục Thống kê Trung Quốc công bố ngày 19/10 cho thấy GDP quý III/2018 của nước này chỉ tăng trưởng 6,5%, thấp nhất trong gần 10 năm.
Bộ Chính trị Trung Quốc nhận định hiện tồn tại “nhiều khó khăn đối với các doanh nghiệp”, đồng thời đề cập tới “sự xuất hiện của các rủi ro tích lũy suốt một thời gian dài”.
“Chúng ta phải tăng cường cải cách và mở cửa để tìm các giải pháp cho các vấn đề cốt lõi. Chúng ta phải giải quyết những vấn đề của chính chúng ta và thúc đẩy tăng trưởng”, thông báo của Bộ Chính trị Trung Quốc nêu rõ.
Theo thông báo, ban lãnh đạo Trung Quốc dự định sẽ tiếp tục thực thi chính sách tài khóa chủ động và chính sách tiền tệ thận trọng, tìm cách ổn định thị trường việc làm, tài chính, thương mại, vốn nước ngoài, đầu tư.
Tại cuộc họp lần này, Bộ Chính trị Trung Quốc cũng phát đi tín hiệu rằng Bắc Kinh sẽ hỗ trợ khối doanh nghiệp tư nhân. Trong khi đó, tại cuộc họp cách đây 3 tháng, ban lãnh đạo Trung Quốc đặt trọng tâm vào các khoản chi dành cho cơ sở hạ tầng để thúc đẩy các hoạt động kinh tế và không đề cập tới kinh tế tư nhân.
Ngoài ra, Bộ Chính trị Trung Quốc cũng xác định sẽ kích thích tính năng động của thị trường chứng khoán, mở cửa đón các nhà đầu tư nước ngoài và đảm bảo lợi ích hợp pháp của khối doanh nghiệp này tại Trung Quốc.
Theo Bloomberg, chính phủ và ngân hàng trung ương Trung Quốc trước đó cũng đã đề xuất một loạt các biện pháp nhằm ổn định tâm lý thị trường, cùng với các bước để tăng tính thanh khoản trong hệ thống tài chính, khấu trừ thuế cho các hộ gia đình và các biện pháp hỗ trợ các nhà xuất khẩu… để chống đỡ chiến tranh thương mại. Tuy nhiên, cho đến nay, các biện pháp đó vẫn chưa có nhiều hiệu quả.
Vỹ An (Tổng hợp)