Đại Kỷ Nguyên

Trung Quốc phát động ‘cuộc chiến thực sự’ nhằm đánh cắp phát minh của Mỹ

Các chuyên gia cảnh báo Trung Quốc đang lợi dụng sự công khai những phát minh của Mỹ, từ thung lũng Silicon tới các trường đại học, nhưng Mỹ vẫn chưa đánh giá đúng mức mối đe dọa của Trung Quốc, theo trang tin NTD.

Tại buổi hội thảo với chủ đề “Nguy cơ đe dọa của Trung Quốc với chính phủ Mỹ và Hoạt động nghiên cứu của khu vực tư nhân và Vai trò lãnh đạo công nghệ” tổ chức mới đây, Jame Philips – nhà sáng lập và giám đốc điều hành của tập đoàn NanoMech, cảnh báo rằng “một cuộc chiến thực sự sắp diễn ra”.

“Đây là một cuộc chiến tranh mạng – chưa từng xảy ra trước đó, khi mà Trung Quốc có thể xâm lược Mỹ hàng ngày, để cố gắng vượt qua mặt Mỹ về công nghệ khoa học”.

NanoMech, một công ty sản xuất công nghệ nano hàng đầu có trụ sở tại Arkansas, là mục tiêu thường xuyên của các cuộc tấn công mạng. Gần đây, FBI đã cảnh báo công ty này rằng miền nam nước Mỹ là mục tiêu tấn công tường lửa nhiều thứ 2 của các hacker Trung Quốc.

“Tuy tôi cho rằng chúng ta có thể coi đây là một lời ca ngợi cho khoa học và công nghệ vượt trội của Mỹ, nhưng chúng tôi đã phải nỗ lực để chống lại sự xâm lược này trước khi nó có cơ hội thành công”, ông Phillips nói.

Công ty đã phải dành một khoản chi phí đáng kể để tăng cường an ninh mạng và tường lửa của mình.

Ông Phillips cho rằng mọi người đa phần chú ý vào quân sự, hoặc thường nghĩ tới Nga, nhưng Mỹ sẽ mất vị thế cường quốc dẫn đầu về kinh tế thế giới nếu không đề phòng Trung Quốc.

Ông cũng cho rằng “khi GDP của Trung Quốc vượt Mỹ, Trung Quốc sẽ thống trị thế giới về mặt kinh tế với lợi nhuận cao hơn nhiều so với Mỹ, và lúc đó, Trung Quốc sẽ có toàn quyền kiểm soát”.

Cách đây 3 năm, chính quyền Trung Quốc đã công bố kế hoạch sản xuất 2025, tuyên bố mục tiêu đạt vị trí thống trị vào năm 2025 trong 10 ngành công nghiệp công nghệ cao, bao gồm công nghệ thông tin tiên tiến, robot, máy móc tự động hóa và máy bay.

Để thực hiện tham vọng kinh tế của mình, chính quyền Bắc Kinh đã sử dụng các chiến thuật khác nhau bao gồm gián điệp, tấn công mạng, liên doanh cưỡng ép để tiếp cận thị trường và mua lại các công ty nước ngoài để chiếm đoạt công nghệ.

Đầu tư mạnh tay

Các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc (DNNN) kiểm soát các lĩnh vực chiến lược như quốc phòng, năng lượng, viễn thông và hàng không. Chính quyền đã dành hàng trăm tỷ đôla để hỗ trợ việc kinh doanh độc quyền của các doanh nghiệp này.

Michael Pillsbury, giám đốc Trung tâm Chiến lược Trung Quốc tại Học viện Hudson, cho rằng “việc tiếp cận vốn đầu tư giá rẻ và chi phí đầu vào thấp vẫn không khiến các công ty này có thể cạnh tranh với các đối thủ quốc tế”.

Để thâu tóm các công ty nước ngoài, các nhà lãnh đạo của Trung Quốc đã dùng kho dự trữ ngoại tệ khổng lồ để tài trợ cho các DNNN. Từ năm 1985-2005, Trung Quốc đã chi 300 tỷ USD để sở hữu công khai các doanh nghiệp nước ngoài, theo Pillsbury.

Theo một báo cáo gần đây của văn phòng Đại diện thương mại Mỹ, Trung Quốc tiếp tục bảo vệ các ngành công nghiệp của mình bằng cách trợ giá quá mức trong nước, dự trữ hàng hóa và chính sách thuế phân biệt đối xử. Tất cả các hành vi này vi phạm các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Trong một thập kỷ qua, Trung Quốc đã mở rộng thị phần và vượt qua các đối thủ trong các ngành công nghiệp trọng yếu như thép, phụ tùng ô tô, chế tạo thủy tinh và sản xuất giấy.

“Trung Quốc đã biến từ một nước nhập khẩu thép vào năm 2000 thành một nước sản xuất và xuất khẩu lớn nhất thế giới, chiếm 40% thị phần toàn cầu,” ông nói.

Bên cạnh đó, Trung Quốc đầu tư mạnh vào các công ty công nghệ khởi nghiệp của Mỹ.

Michael Brown, cựu CEO của Tập đoàn Symantec, cho biết Trung Quốc đã tham gia đầu tư vào các liên doanh, với kỷ lục là chiếm 16% tất cả các giao dịch liên doanh được tài trợ trong năm 2015 và duy trì mở mức 10% trong năm 2016 và 11% trong 10 tháng đầu năm 2017.

Ông Brown đã tiến hành một nghiên cứu về cách thức Trung Quốc chuyển giao công nghệ thông qua đầu tư vào các công ty khởi nghiệp, và phát hiện hơn 500 công ty có trụ sở hoặc chi nhánh tại Trung Quốc đã đầu tư vào các công ty khởi nghiệp của Mỹ vào năm ngoái.

Các công ty nước ngoài hoạt động ở Trung Quốc cũng là mục tiêu thường xuyên của gián điệp.

American Superconductor, một công ty công nghệ năng lượng của Hoa Kỳ, là nạn nhân gần đây. Doanh nghiệp này hợp tác với công ty Sinovel để tiếp cận thị trường tua-bin gió của Trung Quốc. Sinovel đã sử dụng một trong những nhân viên người Mỹ làm gián điệp nội bộ và lấy trộm mã phần mềm điều khiển. Kết quả là, công ty của Mỹ đã mất hơn 350 triệu USD doanh thu và 1 tỷ USD cổ phiếu. Công ty cũng đã phải sa thải hàng trăm nhân viên

Tấn công các trường đại học

Các chuyên gia cho biết các trường đại học và các phòng thí nghiệm hàng đầu của Mỹ đã từng là mục tiêu của các vụ tấn công mạng và gián điệp của Trung Quốc.

“Trong vài năm qua, đã có một số xâm nhập nhắm vào các trường đại học tham gia vào nghiên cứu các lĩnh vực nhạy cảm hoặc quân sự, bao gồm Đại học Penn State và Đại học Virginia,” Elsa Kania, một thành viên hỗ trợ tại Trung tâm An ninh Mỹ cho biết.

Cô cho biết các trường đại học là những mục tiêu dễ dàng vì họ ít chú ý đến an ninh mạng.

Chính quyền Trung Quốc cũng đang nhắm vào tài năng và sử dụng các sinh viên Trung Quốc bằng cách đưa họ tham gia nghiên cứu các lĩnh vực nhạy cảm của Mỹ, ông Brown nói. Một phần ba số sinh viên nước ngoài tại Mỹ là công dân Trung Quốc. Môi trường học tập tại Mỹ rất cởi mở và do đó một số sinh viên có thể tiếp cận với các nghiên cứu nhạy cảm do quân đội Mỹ tài trợ.

Để giải quyết các mối đe dọa gây ra bởi đầu tư của Trung Quốc, các nhà lập pháp Mỹ gần đây đã thông qua một dự luật để cải cách việc giám sát và thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Hoa Kỳ (CFIUS), một cơ quan liên ngành chịu trách nhiệm đánh giá các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia về một số loại đầu tư nước ngoài.

Theo các chuyên gia, dự luật mới là một bước tiến quan trọng, nó cho phép chính phủ Mỹ xem xét một loạt các giao dịch trọng yếu. Tổng thống Donald Trump kêu gọi Nghị viện nhanh chóng tiến hành ban hành dự luật này.

Chiến lược gia Pillsbury tại Học viện Hudson đánh giá: “Đây rõ ràng là một vấn đề an ninh quốc gia… Chúng tôi đã có một khởi đầu tốt cho chiến lược mới với Trung Quốc, nhưng chúng tôi vẫn có thể đang đánh giá thấp vấn đề”.

Lưu Hạnh

Exit mobile version