Trung Quốc sẽ tự bắn vào chân mình nếu như đánh thuế lên dầu thô nhập khẩu từ Mỹ.
Khi thực thi việc áp thuế 25% lên 16 tỷ USD hàng hóa Mỹ, Trung Quốc đã rút một mặt hàng quan trọng ra khỏi danh sách dọa đánh thuế ban đầu. Đó là dầu thô.
Theo Wall Street Journal, trong bản danh sách các mặt hàng đánh thuế dự kiến vào tháng 6, Trung Quốc đã tính áp thuế lên dầu thô nhập khẩu từ Mỹ.
Nước cờ chưa đi này đã phá hỏng mối quan hệ vừa mới chớm nở. Trong vòng 2 năm qua, Trung Quốc đã trở thành một trong những khách hàng lớn nhất của dầu thô Mỹ xuất khẩu. Năm 2017, thị trường Trung Quốc chiếm 1/5 lượng xuất khẩu dầu thô của Mỹ.
Tuy nhiên, khi bản danh sách các mặt hàng bị đánh thuế được tung ra vào ngày 8/8, dầu thô không có mặt mà thay vào đó là nhiều sản phẩm khác. Bộ Thương mại Trung Quốc không đưa ra bất kỳ đưa ra lời giải thích nào về sự biến mất đó. Cơ quan này chỉ đơn giản nói rằng các biện pháp của Mỹ “không hợp lý” và Trung Quốc phải đáp trả để “bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của mình”.
Giới phân tích và người trong ngành cho rằng sự thay đổi trong phút chót này có thể báo hiệu Trung Quốc đang đánh giá lại “cơn thịnh nộ” của Mỹ vì nền kinh tế nước này đang tăng trưởng chậm lại và Mỹ có thể dễ dàng tìm được người mua mới.
Năng lượng của Trung Quốc phụ thuộc vào 70% nguồn nhiên liệu nhập khẩu và Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự báo con số này sẽ tăng lên 80% vào năm 2040.
Ông Shane Oliver, nhà phân tích của AMP Capital Markets, bình luận: “Trung Quốc sẽ tự bắn vào chân mình nếu họ đánh thuế nhập khẩu dầu của Mỹ. Nền kinh tế này phụ thuộc rất nhiều vào dầu mỏ”.
Mặc dù chỉ trong 2 năm qua, lượng dầu mà Trung Quốc thu mua từ Mỹ đã tăng khoảng 200 lần nhưng dầu thô Mỹ mới chỉ chiếm khoảng 3% nhập khẩu dầu của Trung Quốc. Hai nguồn cung cấp dầu lớn nhất của Trung Quốc là Nga và Ảrập Xêut.
Dầu thô Mỹ luôn đắt khách
Điểm mấu chốt đó là dầu thô ngọt nhẹ – sản phẩm dầu chủ lực của Mỹ – đã được bán với giá rẻ hơn so với các loại dầu chua trung bình suốt gần hai năm qua. Dầu chua nặng trung bình là mặt hàng mà các nhà cung cấp truyền thống của Trung Quốc sản xuất. Trong khi đó, dầu chua nặng trung bình đòi hỏi phải được lọc kỹ hơn và gây ô nhiễm nhiều hơn.
Trong những năm gần đây, các nhà máy lọc dầu ở châu Á, gồm cả Trung Quốc, đã bắt đầu trang bị lại các thiết bị để xử lý dòng dầu thô mà Mỹ sản xuất. Nếu Trung Quốc “buông tay” với dầu thô Mỹ, giới mua hàng châu Á sẽ nhanh chân chiếm lấy vị trí đó.
Ông Erik Norland, chuyên gia kinh tế của Tập đoàn CME, cho biết: “Dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ luôn đắt khách. Nếu loại dầu này không xuất được sang Trung Quốc, nó sẽ ngay lập lức được chuyển sang một quốc gia khác. Nước này có thể nằm cùng trong khu vực với Trung Quốc, cũng có thể ở các khu vực khác trên hành tinh này”.
Một lời giải thích khác cho rằng Trung Quốc đang đặt nền móng để tiếp tục nhập khẩu dầu thô từ Iran bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ lên Iran được khôi phục vào tháng 11.
Ông Dan Eberhart, Giám đốc điều hành của công ty dịch vụ khoan dầu Canary LLC, nhận định: “Nếu Trung Quốc áp thuế lên dầu thô của Mỹ thì sẽ làm giảm cơ hội Mỹ miễn trừ trừng phạt để Trung Quốc tiếp tục mua dầu thô Iran. Một hành động như vậy sẽ khiến nước Mỹ nổi giận thêm”.
Kiều Ngọc