Trung Quốc cam kết gói đầu tư và cho vay ưu đãi 24 tỷ USD để hỗ trợ thúc đẩy nền kinh tế Philippines nhưng vẫn chưa rót tiền dù gần 2 năm đã trôi qua.
22 tháng sau khi Trung Quốc cam kết đầu tư 24 tỷ USD cho Philippines, nhưng hầu như không có dự án nào được thực hiện, làm dấy lên lo ngại Tổng thống Rodrigo Duterte chỉ đang làm suy yếu chủ quyền đất nước.
Sau chuyến thăm kéo dài 4 ngày tới Bắc Kinh vào tháng 10/2016, ông Duterte đã nhận được lời hứa của Trung Quốc sẽ đầu tư 24 tỷ USD và tăng cường quan hệ thương mại. Theo đó, Trung Quốc sẽ cung cấp cho Philippines 9 tỷ USD vốn vay ưu đãi, bao gồm hạn ngạch tín dụng 3 tỷ USD từ ngân hàng Bank of China. Các thỏa thuận kinh tế, bao gồm các thỏa thuận đầu tư, được ký kết trong chuyến thăm này có tổng trị giá 15 tỷ USD.
Gói vốn trên từ Bắc Kinh hứa hẹn sẽ tạo ra 2 triệu việc làm mới trong vòng 5 năm và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng đang đi xuống trầm trọng ở Philippines.
Tuy nhiên, gần 2 năm đã trôi qua, hầu như chưa có dấu hiệu nào về việc số tiền sẽ được triển khai, trong đó bao gồm 15 tỷ USD vốn đầu tư và 9 tỷ USD tiền cho vay ưu đãi không lãi, cho dù phía Tổng thống Duterte đã thực hiện những cam kết một cách tích cực.
Philippines hiện mới chỉ tiếp nhận được 1 hợp đồng trị giá 73 triệu USD cho dự án thủy lợi nằm ở phía bắc Thủ đô Manila và 2 cây cầu có khoản hỗ trợ 75 triệu USD.
Bộ trưởng Kế hoạch Kinh tế Ernesto Pernia cho biết quá trình đảm bảo khoản vay từ Trung Quốc “có vẻ chậm hơn” so với các khoản vay từ các nước khác như Nhật Bản.
Cái giá của khoản cam kết hỗ trợ là lời hứa của ông Duterte rằng Philippines sẽ chuyển dịch sang chính sách gần gũi hơn với Bắc Kinh, đồng thời xa cách Mỹ – đồng minh lâu năm của nước này.
Trong chuyến thăm tới Trung Quốc năm 2016, ông Duterte đã tuyên bố “chia tay” Mỹ và xoay trục chính sách đối ngoại về phía Trung Quốc và Nga. Phát biểu này của nhà lãnh đạo Philippines càng khoét sâu thêm vết rạn nứt trong quan hệ giữa Manila với đồng minh quân sự lớn nhất.
Theo số liệu của Nhà Trắng, vốn đầu tư trực tiếp (FDI) của Mỹ vào Philippines vào khoảng 4,7 tỷ USD. Hơn nữa, Mỹ đã cung cấp cho Philippines nhiều triệu USD viện trợ quân sự như một phần trong nỗ lực hỗ trợ đồng minh tạo đối trọng với việc Trung Quốc theo đuổi các tuyên bố chủ quyền trên biển Đông.
Niềm tin của người dân Philippines đối với chính quyền ông Duterte ngày càng giảm sút, cho rằng ông Duterte không sẵn sàng bảo vệ quyền lợi của quốc gia sau một tuyên bố vào tháng 3/2017 rằng ông không thể ngăn cản Trung Quốc xây dựng trên bãi cạn tranh chấp Scarborough ở biển Đông.
Hàng loạt thỏa thuận lớn bị trì hoãn
Công ty Greenergy Development có trụ sở tại Mindanao đã ký một thỏa thuận để phát triển nhà máy thủy điện trị giá 1 tỷ USD, có công suất 300 MW cùng với công ty Power China vào tháng 10/2016. Tuy nhiên, thỏa thuận đã chấm sứt sau khi phía nhà thầu Trung Quốc liên tục đẩy lui thời hạn.
Tiếp đến là thỏa thuận có trị giá 780 triệu USD cũng được ký kết vào tháng 10/2016, nhằm bồi đắp 3 hòn đảo ở quê nhà của ông Duterte khỏi bị ngập nước và do một công ty của Trung Quốc nhận trách nhiệm thực thi. Tuy nhiên, đến tháng 7/2017, con gái Tổng thống, bà Sara Duterte-Carpio, đã cho hủy dự án vì nhận thấy nó không khả thi về mặt thương mại.
Không chỉ như vậy, dự án xây dựng nhà máy thép không gỉ trị giá 700 triệu USD cũng được ký kết vào tháng 10/2016 giữa tập đoàn khai thác niken lớn nhất Philippines là Global Ferronickel và Tập đoàn Nonyin của Trung Quốc tuy chưa bị hủy nhưng việc xây dựng nhà máy này vẫn chưa được thi công tính đến thời điểm hiện tại.
“Sau làn sóng hưng phấn đón nhận những thỏa thuận đầy màu mỡ trong năm 2016, chúng tôi nhận ra rằng những tuyên bố đầu tư của Trung Quốc đã bị thổi phồng quá mức”, chuyên gia Heydarian tại viện nghiên cứu ADR-Stratbase cho biết.
Ông Heydarian cũng nói rằng người dân Philippines mong đợi Nhật Bản, Mỹ và các đối tác ở châu Âu vẫn sẽ là những nhà đầu tư nước ngoài chính cho nước này trong tương lai.
Kiều Ngọc