Trung Quốc đang ngày càng bị áp lực bởi dòng vốn chảy ra khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất, theo SCMP.
Sau khi FED nâng lãi suất vào ngày 26/9, lại có thêm nhiều lo ngại về các đợt thoái vốn và khủng hoảng hệ thống tài chính tại các thị trường mới mổi. Và Trung Quốc, quốc gia đang trong vòng xoáy của cuộc chiến thương mại với Mỹ, cũng không phải ngoại lệ.
Trong đợt tăng lãi suất mới nhất, FED nâng chi phí vay thêm 0,25 điểm phần trăm lên ngưỡng 2 – 2,25% và tuyên bố giữ nguyên chủ trương thắt chặt dần chính sách tiền tệ. Đây là đợt tăng lãi suất lần thứ 3 của ngân hàng trung ương Mỹ trong năm 2018.
Các quốc gia từ Argentina đến Thổ Nhĩ Kỳ đã bị ảnh hưởng tồi tệ bởi việc lãi suất của Mỹ tăng. Đồng USD trở nên hấp dẫn hơn đã kích hoạt các đợt rút vốn ngoại từ những thị trường mới nổi.
Các biện pháp nhằm biến mình ngang bằng với Mỹ trong cuộc chiến thuế quan và nợ trong nước phình to đang khiến Trung Quốc đối mặt với nguy cơ dòng vốn chảy mạnh và tài sản bị bán tháo, đặc biệt khi FED vừa tăng lãi suất.
Tính đến thời điểm hiện tại, chỉ số chứng khoán Shanghai Composite đã mất 15,6% so với thời điểm đầu năm 2018. Đồng Nhân dân tệ đã giảm 9% so với đồng USD kể từ tháng 4, tốc độ mất giá chưa từng có trong lịch sử.
Chuyên gia kinh tế Anna Stupnytska thuộc tập đoàn tài chính Fidelity International nhận định các thị trường mới nổi đang phải đối mặt với điều kiện tài chính khắt khe hơn trong năm nay, “một số lỗ hổng đã mở ra khi dòng vốn bắt đầu tháo chạy”.
Sức mạnh và sự ổn định của đồng USD đã biến đồng bạc xanh trở thành xương sống của hệ thống tiền tệ dự trữ thế giới, duy trì tính thanh khoản và cũng là nơi trú ẩn an toàn trong thời gian biến động.
Bất chấp những khiếu nại liên tục của Bắc Kinh về quyền bá chủ của đồng USD trong thập kỷ qua, đồng bạc xanh vẫn là lựa chọn mặc định về thương mại của Trung Quốc và tài sản bằng đồng USD chiếm khoảng 2/3 tổng dự trữ ngoại hối của nước này.
Trước đó, ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC) cho biết dự trữ ngoại hối trong tháng 8/2018 giảm còn 3,11 nghìn tỷ USD, so với mức 3,82 nghìn tỷ USD trong tháng 7.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng đồng USD đại diện cho sức mạnh của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trong báo cáo “Vị trí của Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại với Mỹ” được phát hành tuần qua, Trung Quốc lập luận rằng Mỹ đang sử dụng “đặc quyền tiền tệ” để đoạt quyền lợi từ các quốc gia khác.
Cựu Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Trung Quốc, ông Yukon Huang, nhận định: “Miễn là bạn kiểm soát hệ thống tài chính quốc tế, bạn không cần quan tâm đến phần còn lại của thế giới”.
Trung Quốc có thể tạm thời che chắn cho thị trường của mình khỏi bị ảnh hưởng bởi việc Mỹ tăng lãi suất, nhưng quốc gia này sẽ bị thua cuộc trong cuộc chiến kinh tế nếu sự thống trị của đồng USD tiếp tục duy trì.
“Điều mà nước Mỹ phải làm để duy trì sự thống trị trong kinh tế toàn cầu là tăng trưởng 2%/năm trong vòng 20 năm hoặc 30 năm tới. Tăng trưởng GDP của Mỹ bình quân đầu người đang lớn gấp 7 gần Trung Quốc. Khoảng cách giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng lớn”, ông Yukon Huang, cựu Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Trung Quốc, nhận định.
Kiều Ngọc (Tổng hợp)