Tại nhiều chung cư ở Tp.HCM người dân không được tập huấn, trang bị PCCC, thiếu cảnh giác với “bà Hỏa”. Còn tại Hà Nội, nhiều tòa cao ốc cũng thờ ơ với PCCC, người dân đã phải tự trang bị các thiết bị chữa cháy như bình xịt, thang dây hay mặt nạ chống khói…
Vụ hỏa hoạn tại chung cư Carina (Tp.HCM) khiến 13 người chết, 28 người bị thương một lần nữa làm rúng động cư dân ở hàng trăm cao ốc tại Hà Nội và Tp.HCM cho dù những hiểm họa từ hỏa hoạn luôn được cảnh báo.
Theo Người Lao Động, sau vụ cháy ở chung cư Carina, cư dân ở các chung cư trên địa bàn Tp.HCM “tố” chủ đầu tư, ban quản lý buông lỏng công tác PCCC.
Cư dân ở chung cư 145 Nguyễn Trãi (quận 1) cho hay, tầng hầm bị chiếm dụng làm nơi kinh doanh dẫn đến nguy cơ cháy nổ cao. Nhiều lần người dân phản ánh tới ban quản lý chung cư nhưng chưa giải quyết.
Người dân ở chung cư 76 Ngô Tất Tố (phường 19, quận Bình Thạnh) lo lắng vì không gian giữ xe chật chội, bãi giữ xe nhỏ nhưng ôtô vẫn được ưu tiên đỗ ở giữa, còn xe máy lùa qua 2 bên. Theo một cư dân ở lô A, người thuê chung cư chủ yếu là công nhân nên rất nhiều xe cũ, dễ cháy nổ.
Cách đó không xa, chung cư Phạm Viết Chánh cũng trong tình trạng xe máy đậu chiếm hết không gian. Lối đi nội bộ giữa các block bị chiếm dụng làm chỗ để ôtô hoặc giữ xe cho quán ăn, quán giải khát ở tầng trệt. Nếu xảy ra cháy nổ thì sẽ khó khăn cho PCCC tiếp cận.
Theo anh C. (chung cư Besco An Sương, quận 12), 2 năm nay sống ở đây nhưng chưa từng nghe chuông báo động hay được cấp thiết bị PCCC.
Trong khi đó, cảnh người dân vứt tàn thuốc vứt bừa bãi khắp nơi là chuyện cơm bữa. “Nếu sắp tới chủ đầu tư không trang bị những thiết bị trên, tôi chỉ còn cách bán nhà đi nơi khác sinh sống” – anh C bức xúc nói.
Chị B. (chung cư Ehome3, phường An Lạc, quận Bình Tân) phản ánh, hệ thống chuông tự động và PCCC tại chung cư tạm ổn nhưng ý thức người dân quá kém. Cách đây không lâu, 1 hộ gia đình nấu ăn quên tắt bếp và khóa cửa đi làm. Chuông báo cháy vang lên, lửa bùng phát ở khu vực nhà bếp trong căn hộ. Lực lượng bảo vệ chung cư sớm phát hiện sự việc nên đã phá cửa vào dập lửa kịp thời.
Tại khu chung cư Giai Việt (đường Tạ Quang Bửu, quận 8) là chung cư cao cấp nhưng công tác PCCC lại khá lơ là. Tầng hầm có 2 hộc đựng dụng cụ PCCC khóa kỹ, gây khó khăn cho lực lượng PCCC và cư dân khi cần sử dụng.
Ngoài ra, người dân phản ánh bảo vệ dưới hầm giữ xe thường xuyên hút thuốc, khu vực cấm để xe song xe máy dựng tràn lan và chắn lối. Thậm chí, nút báo cháy bị vôi vữa, xi măng đóng két và không sử dụng được.
Còn tại Hà Nội, theo thống kê của Cảnh sát PCCC, tính đến ngày 31/5/2017, thành phố có 79/800 công trình nhà chung cư cao tầng vi phạm quy định về PCCC. Đến tháng 10/2017, có 21 trường hợp chung cư vi phạm tự khắc phục còn 68 trường hợp vẫn phớt lờ việc này.
Trong đó, Tập đoàn Mường Thanh đứng đầu danh sách vi phạm với 11 tòa nhà. Ngay cả những chung cư cao tầng hạng sang, đắt tiền cũng vi phạm PCCC như: Trung tâm thương mại, văn phòng và căn hộ Artemis (số 3 Lê Trọng Tấn, phường Khương Mai, Thanh Xuân) – Công ty cổ phần ACC Thăng Long, Chung cư CT1 Usilk City (phường La Khê, quận Hà Đông)…
Theo Dân Việt, từ hôm qua (23/3) nhiều người dân thủ đô Hà Nội sống tại các khu chung cơ đổ xô đi mua các thiết bị chữa cháy như bình xịt, thang dây, mặt nạ chống khói… Anh Tuấn (33 tuổi, sống ở tầng 20, chung cư HH Linh Đàm) cho biết, vụ cháy khiến 13 người chết ở Tp.HCM khiến gia đình anh vô cùng lo lắng nên đi mua mặt nạ chống khói về cho gia đình và hàng xóm.
Còn chị Kim (Khu đô thị Xala, Hà Đông, Hà Nội) cũng vội vàng đi sắm hàng chục chiếc mặt nạ phòng khói sau khi nghe tin vụ cháy khủng khiếp ở Tp HCM khiến 13 người thiệt mạng. Ngoài ra, chị còn mua thêm dây thừng để phòng trường hợp có xảy ra cháy thì còn thoát hiểm.
Theo chủ một cửa hàng chuyên cung cấp các mặt hàng bảo hộ, cứu hỏa trên phố Nguyễn Du (quận Hai Bà Trưng), trên thị trường có khá nhiều loại mặt nạ chống độc, khói với giá dao động từ 180.000 đồng-300.000 đồng tùy chủng loại, xuất xứ; thang dây cứu hộ có giá từ 80.000 đồng/mét và bình xịt cứu hỏa có giá 150.000 đồng-300.000 đồng/bình.
Nhìn từ thực tế, nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào tại các chung cư mất an toàn ở Hà Nội và Tp.HCM. Tuy nhiên, bằng nhiều lý do con người vẫn rất hời hợt, lơ là và bỏ qua công tác phòng cháy tại các chung cư, cái giá phải trả vẫn tiếp diễn.
Đến nay, nhiều người dân cũng không biết cách thoát hiểm hay thuộc tiêu lệnh chữa cháy thông thường chứ nói gì đến kiến thức về phòng cháy. Kiểu “mất bò mới lo làm chuồng” này cho thấy, để đảm bảo an toàn cháy nổ cho các khu chung cư cần tới những giải pháp đồng bộ, thường xuyên và lâu dài hơn là tinh thần đề phòng “giặc lửa” mang tính thời điểm.
Thanh Thanh