Trưa ngày 6/4, một số người dùng tại Việt Nam không thể truy cập vào ứng dụng Grab để đặt xe như thường lệ. Trong khi đó, nhiều tài xế Uber không muốn “chuyển khẩu” sang Grab đã rủ nhau sang ứng dụng đặt xe cho phép khách mặc cả Vato của nhà xe Phương Trang.
Grab lại bị “treo” vào giờ cao điểm
3 ngày sau khi ứng dụng Grab bị “sập” 4 tiếng, vào lúc 11 giờ trưa ngày 6/4, một số người dùng tại Việt Nam và Singapore đặt xe trên ứng dụng gọi xe trực tuyến Grab nhưng không thành công vì “lỗi kỹ thuật”.
Theo đó, ứng dụng Grab vẫn hiển thị đầy đủ các nội dung, nhưng khi chọn lệnh “đặt xe” thì không thực hiện được và trên màn hình hiển thị thông báo: “Vì lý do kỹ thuật, người dùng có thể không sử dụng ứng dụng Grab như bình thường”.
Theo phản ánh của nhiều người sử dụng, từ hôm qua đến nay (ngày 6/4), họ đã gặp phải khó khăn khi kết nối với ứng dụng này cũng như đặt xe.
Trong khi đó, theo Tuổi trẻ Online, tại Singapore ứng dụng Grab cũng bị treo vào thời điểm trưa 6/4 khiến các khách hàng không thể đặt xe được.
Đại diện Grab tại Singapore xác nhận hệ thống đang gặp trục trặc và các kỹ thuật viên đang tập trung sửa lỗi.
Đến khoảng 12h32 (giờ Singapore), tức là 11h32 phút giờ Việt Nam, hệ thống Grab đã hoạt động trở lại.
Khác với sự cố tối 3/4 khi Grab bị tê liệt đến 4 tiếng đồng hồ, lỗi kỹ thuật lần này chỉ xảy ra trong thời gian ngắn nhưng cũng đủ gây phiền toái cho một số người dùng.
Nhiều tài xế Uber rủ nhau đầu quân cho Vato
Việc Grab liên tục dính lỗi kỹ thuật khiến cho không chỉ bản thân các tài xế Grab mệt mỏi vì bị “treo niêu” mà ngay cả các tài xế Uber cũng không muốn “chuyển khẩu” sang Grab khi chỉ còn 2 ngày nữa (8/4) Uber sẽ chính thức rời Việt Nam.
Ngay sau khi ứng dụng Grab bị lỗi 4 tiếng đồng hồ ngày 3/4, nhiều tài xế Uber đã bắt đầu ngó nghiêng sang các ứng dụng gọi xe công nghệ như Vato.
Chia sẻ trên Trí thức trẻ, anh T., một tài xế Uber, cho biết còn ít ngày nữa dịch vụ xe công nghệ này chính thức bị “khai tử” nên anh khá lo lắng vì Grab sẽ độc quyền sẽ khiến nhiều đối tác tài xế như anh sẽ khó khăn hơn nữa khi phần chiết khấu có thể tiếp tục tăng. Tuy nhiên, mới đây Vato bất ngờ xuất hiện khiến anh T. an tâm hơn.
“Thấy ứng dụng này khá hay và lại là sản phẩm của người Việt tạo ra nên tôi ủng hộ, tải về dùng ngay khi Vato có mặt trên thị trường. Bên cạnh đó, phần chiết khấu thu nhập từ cuốc xe cũng thấp hơn Grab đến 5%. Mức chiếc khấu này giúp tài xế đỡ vất vả, chạy được nhiều hơn, thu nhập khá ổn”, anh T. chia sẻ.
Vato là ứng dụng gọi xe mới đây vừa được công ty vận tải xe khách Phương Trang đầu tư 100 triệu USD (khoảng 2.200 tỷ đồng).
Ứng dụng này ban đầu có tên là FaceCar, đã có mặt từ 2 năm trước trên thị trường Việt Nam, sau đó đổi tên thành Vivu. Tuy nhiên, do sự phát triển mạnh mẽ của Grab và Uber, ứng dụng gọi xe công nghệ này dần mất hút.
Sau đó, khi Uber chính thức sẽ bị Grab “thâu tóm” mảng kinh doanh tại khu vực Đông Nam Á, ứng dụng gọi xe Vato lại được người dùng và tài xế biết đến rộng rãi.
Theo nhà sáng lập ứng dụng gọi xe công nghệ Vivu, điểm khác biệt của Vato so với các ứng dụng gọi xe khác là cho phép khách hàng mặc cả với tài xế (mức giá tối thiểu Vato đưa ra). Ngoài ra, giá cước của Vato là 8.500 đồng/km (tương đương GrabCar) nhưng lại có mức chiết khấu chỉ 20%, thấp hơn mức 25-28,3% của Grab hiện nay.
Nguyễn Trang