Vay tiêu dùng của người Việt tăng mạnh trong năm 2017, ước đạt tới hơn 1,1 triệu tỷ đồng, cao hơn 65% so với năm 2016.
Con số trên được Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (NFSC) công bố trong Báo cáo tổng quan thị trường tài chính năm 2017, trong đó cho thấy tín dụng tiêu dùng trong tổng tín dụng đã tăng từ 12,3% năm 2016 lên 18% năm 2017.
Người Việt dường như đang mạnh tay vay mượn để chi tiêu cho các loại nhu cầu.
Theo thống kê, cho vay phục vụ mục đích mua và sửa chữa nhà ở chiếm tỷ trọng lớn nhất với mức 53% (năm 2016 chiếm 49,5%). Đây cũng là lĩnh vực đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khi tăng 76,5% (năm 2016 tăng 78,4%).
Các khoản vay mua trang thiết bị gia đình chiếm tỷ trọng 15,3% và tăng 6,5% so với năm trước, trong khi vay mua phương tiện đi lại chiếm 8,3% và tăng 35,2%.
Theo NFSC, có 2 nguyên nhân khiến tín dụng tiêu dùng tăng nhanh trong năm qua. Thứ nhất, dân số trẻ và dân số thành thị tăng cao khiến gia tăng nhu cầu về nhà ở tại Việt Nam. Thứ hai, người dân chuyển dần từ thanh toán bằng tiền mặt sang thanh toán qua ngân hàng và có xu hướng sẵn sàng vay nợ cho các nhu cầu của đời sống.
Ngày càng nhiều người chọn vay tiêu dùng vì thủ tục khá đơn giản. Chỉ cần giấy tờ tùy thân như chứng minh nhân dân, hộ khẩu hoặc bằng lái xe là khách hàng có thể tiếp cận khoản vay với thời gian giải ngân ngắn, có khi chỉ trong 30 phút.
Các công ty tài chính cũng đưa ra nhiều mức lãi suất để khách hàng có thể lựa chọn tùy theo các loại giấy tờ chứng minh thu nhập và khả năng trả nợ, như bảng lương, hóa đơn điện, nước. Cùng với đó là nhiều chương trình khuyến mãi nhằm kích cầu mua sắm trả góp.
Đối tượng xét cho vay cũng ngày càng đa dạng, từ sinh viên, những người có thu nhập thấp hay về cả các vùng nông thôn.
Không chỉ vay mua hàng hóa, tín dụng tiêu dùng giờ còn “tràn” qua cả lĩnh vực dịch vụ. Rất nhiều công ty du lịch đã kết hợp với các ngân hàng, công ty tài chính để tổ chức các chương trình mua tour trả góp hấp dẫn.
NFSC nhận định, trong thời gian tới tín dụng tiêu dùng vẫn là một trong những mảng hoạt động tiềm năng và chiến lược của các tổ chức tín dụng và dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng cao.
Minh Tuệ