Mô hình cho vay trực tuyến mới xuất hiện ở Việt Nam gần đây nhưng nhu cầu của người vay rất lớn. Thủ tục vay và lãi suất cao, rất tương đồng với loại hình vay nặng lãi.
Tại buổi tập huấn về thị trường tài chính tiêu dùng do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức hôm cuối tuần, các chuyên gia tài chính nhìn nhận mô hình cho vay ngang hàng – P2P (cho vay trực tuyến, online) đang phát triển rất “nóng” tại Việt Nam nhưng lại chưa có khung pháp lý rõ ràng, theo Người Lao Động.
Chuyên gia tài chính, TS Cấn Văn Lực thông tin, có công ty cho vay theo mô hình P2P ở Việt Nam chỉ mới thành lập từ cuối năm 2017 nhưng mỗi ngày có tới 2.000 đơn xin vay cho thấy nhu cầu là rất lớn.
Ở các nước khác mô hình này cũng rất phát triển, riêng Trung Quốc, dư nợ cho vay trực tuyến tính đến cuối năm ngoái vào khoảng 30-40 tỷ USD, với hơn 6.000 công ty. Tuy nhiên, do mô hình này bị biến tướng nên cơ quan quản lý Trung Quốc đã ra tay dẹp từ 6.000 xuống còn khoảng 2.000 doanh nghiệp.
Theo TS Cấn Văn Lực, đây là cách thức cho vay không thông qua trung gian là ngân hàng thương mại, chỉ có đơn vị cung cấp nền tảng công nghệ kết nối giữa bên cho vay và người vay, giống như Uber, Grab trong lĩnh vực taxi đã xuất hiện ở Việt Nam.
Vì sao cách thức cho vay này lại nở rộ thời gian qua? Rủi ro cho khách hàng như thế nào?
TS Cấn Văn Lực cho rằng trong thực tế đời sống, luôn có người cần vay và người muốn cho vay, điển hình là các hiệu cầm đồ luôn có đất sống. Và nhờ công nghệ phát triển nhanh nên người vay và bên cho vay có thể kết nối với nhau mà không thông qua các định chế tài chính ngân hàng, công ty tài chính…
Trao đổi với Zing, Anh Phạm Văn V (22 tuổi, Phú Thọ) cho biết đã vay được 3 triệu đồng từ hình thức vay trực tuyến này mà không cần cầm cố tài sản nào. Tuy nhiên, đổi lại cậu sinh viên này đang phải chịu mức lãi suất “cắt cổ” lên tới 600%/năm, bao gồm cả tiền lãi suất vay và phí quản lý khoản vay.
Các yêu cầu đối với người vay của loại hình vay online, vay trực tuyến cũng tương đối đơn giản khi chỉ yêu cầu là công dân từ 18-60 tuổi (tại một số công ty yêu cầu mức tuổi tối thiểu là 20) đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội hoặc có hộ khẩu nội thành tại TP. HCM. Ngoài ra, các công ty này không hề xác minh về nhân thân, nguồn tiền thu nhập hàng tháng, lịch sử tín dụng… để đưa ra mức chấm điểm tín dụng cho khách hàng.
“Mặc dù mô hình này có nhiều ưu điểm, chi phí thấp, giải ngân nhanh nhưng đáng lo là hình thức này đang bị biến tướng, do nhiều người huy động vốn xong không cho vay mà lấy tiền để đầu tư vào lĩnh vực khác. Mối quan hệ giữa đơn vị cung cấp nền tảng công nghệ, bên vay và người cho vay (nhà đầu tư) không rõ ràng… Đồng thời hiện chưa có cơ sở pháp lý để quản lý mô hình cho vay này”, TS Cấn Văn Lực nói.
Căn cứ theo mô hình này, thực chất vay trực tuyến là những quan hệ vay dân sự, nên phải tuân thủ theo quy định của Luật Dân sự 2015 về lãi suất cho vay không quá 20%/năm và quy định lãi suất không quá 100%/năm của Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Cũng chính vì chưa có khung pháp lý nên các công ty, nhà đầu tư cho vay xong sẽ dùng nhiều biện pháp để đòi nợ, thu hồi nợ, bao gồm cả thuê xã hội đen… Một số công ty cho vay trực tuyến lợi hình thức cho vay này rồi đưa thêm nhiều loại phí dịch vụ, từ đó đẩy chi phí khoản vay lên cả 100%/năm, thậm chí 720% mỗi năm như báo chí phản ánh thời gian gần đây.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh nhu cầu vay vốn trực tuyến rất lớn nhưng cơ quan quản lý lại chưa có cơ sở pháp lý nên rủi ro sẽ cho cả bên đi vay lẫn người cho vay. Các nhà đầu tư bỏ vốn vào mô hình này càng rủi ro hơn.
Minh Tú (tổng hợp)