Sáng ngày 7/11, Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam 2017 (VBS) chính thức khai mạc tại Trung tâm hội nghị Ariyana, Đà Nẵng, với sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC diễn ra tại Đà Nẵng từ 6 – 11 tháng 11, do Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức với mục đích giúp các doanh nghiệp trong và ngoài nước có cơ hội tìm hiểu, xúc tiến, chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác với nhau.
Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi các nhà đầu tư, chuyên gia quốc tế, doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam và cùng với chính phủ, doanh nghiệp và người dân Việt Nam xây dựng môi trường kinh doanh an toàn, thuận lợi và minh bạch theo chuẩn mực quốc tế.
Cũng trong bài phát biểu này, Thủ tướng vạch ra 3 định hướng lớn gồm: Tập trung vào cải thiện chất lượng thể chế, chính sách pháp luật, phát triển nền kinh tế khởi nghiệp, sáng tạo, thực hiện cải cách thuế theo hướng gia tăng cạnh tranh cho nền kinh tế, hướng đến hiệu quả theo tiêu chuẩn cao của OECD.
Trước đó, trong bài phát biểu của mình, ông Vũ Tiến Lộc, chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, Việt Nam tuy là nền kinh tế đi sau, môi trường kinh doanh còn nhiều điểm cần cải thiện nhưng vị trí vai trò của doanh nghiệp và các nhà đầu tư được đánh giá cao hơn bao giờ hết.
Với chủ đề “Việt Nam- Đối tác kinh doanh tin cậy”, Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam 2017 chủ yếu bàn về các cơ hội kinh doanh. Ngoài ra, VBS năm nay cũng là năm mở màn cho diễn đàn hợp tác quốc tế lớn nhất sẽ được tổ chức thường niên tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cùng với đại diện các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã thảo luận 6 chủ đề liên quan tới Nông nghiệp thông minh; Dịch vụ tài chính; Y tế giáo dục; Kết cấu hạ tầng; Du lịch và đặc khu kinh tế; Doanh nghiệp vừa và nhỏ, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong phiên thứ 3.
Bên lề hội nghị, trao đổi với các phóng viên, bà Virginia B.Foote, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành công ty tư vấn Bay Global Strategies của Mỹ đã cho biết, các doanh nghiệp khởi nghiệp ở khắp các nơi trên thế giới đều gặp những khó khăn giống nhau, trong đó phải kể đến là những vấn đề về cơ chế, chính sách và nguồn vốn.
Thanh Tùng (TH)