Tính đến cuối tháng 1/2018, tổng số ghế cho các chuyến bay trong giai đoạn cao điểm Tết vẫn còn thừa tới hơn 40%.

Trang tin VnExpress dẫn lời Cục Hàng không Việt Nam cho biết, tính đến hết ngày 31/1/2018, tổng lượng cung ứng toàn mạng của các hãng hàng không Việt Nam trong giai đoạn cao điểm Tết (từ 30/1/2018 đến 4/3/2018) là 5,1 triệu ghế, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, tổng số tải cung ứng nội địa đạt 3,7 triệu ghế, tăng 7,5%; tổng tải cung ứng quốc tế đạt 1,4 triệu ghế, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước.

Trong tổng số ghế cung ứng trên toàn mạng trong giai đoạn cao điểm Tết, các hãng hàng không vẫn còn hơn 44% số ghế chưa bán hết, trong đó nội địa còn 49% và quốc tế còn 29%.

Chia sẻ trên trang Người lao động, ông Lê Hồng Hà, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết sở dĩ con số thống kê của Cục hàng không Việt Nam có chênh lệch so với con số thống kê của các hãng hàng không là do tình trạng đặt chỗ trên các chuyến bay khác nhau theo nhu cầu của hành khách.

Ông Hà cho biết các chuyến bay trong khung giờ từ 7-21 giờ trong 3 ngày trước Tết đối với chặng Tp.HCM-Hà Nội và 3 ngày sau Tết với chặng Hà Nội-Tp.HCM luôn hết vé từ rất sớm. Trong khi đó, những chặng bay khác trong khung giờ sau 21 giờ đêm thì vẫn còn trống khoảng 60%.

Theo ghi nhận của phóng viên, những chặng bay từ Tp.HCM đi Hà Nội có mức giá vé cao nhất so với các chặng nội địa, đặc biệt các chuyến từ 23 đến 26 tháng Chạp đã hết sạch vé giá rẻ, vé đắt tiền cũng không còn nhiều. Những tuyến bay ngắn hơn từ hướng Nam ra Bắc như Tp.HCM-Vinh, Tp.HCM-Thanh Hóa cũng đã không còn chỗ cho những ngày cận Tết. Những chặng bay gần khác như Tp.HCM-Pleiku, Tp.HCM-Nha Trang lượng vé vẫn còn dồi dào.

Bên cạnh đó, trong dịp Tết Nguyên đán, để đáp ứng nhu cầu của hành khách dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất, các hãng hàng không cũng cho biết nhận chở cành đào, cành mai dưới dạng hành lý ký gửi trên một số chuyến bay nội địa. Với Vietnam Airlines, mức cước dao động từ 297.000-473.000 đồng một bó (tùy theo từng chặng bay).

 V.M