Đại Kỷ Nguyên

Venezuela chính thức đổi tiền, vẫn có nguy cơ lún sâu hơn vào suy thoái

Đồng Bolivar đã phá giá 96%. (Ảnh: Shutterstock)

Từng là cường quốc giàu nhất khu vực Mỹ Latinh với dự trữ dầu thô lớn nhất thế giới, Venezuela giờ quay cuồng trong lạm phát và thiếu thốn. 

Venezuela ngày 20/8 đã chính thức xóa bỏ 5 số 0 trên đồng nội tệ Bolivar, một phần trong kế hoạch kinh tế mà Tổng thống Nicolas Maduro nói là sẽ giúp kiềm chế siêu lạm phát.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng việc đổi tiền vẫn có thể đẩy quốc gia Nam Mỹ này lún sâu hơn vào khủng hoảng.

Đường phố yên ắng, hàng loạt cửa hàng đóng cửa tại 2 thành phố lớn của Venezuela là thủ đô Caracas và Valencia trong ngày 20/8. Ông Maduro đã ra sắc lệnh ngày này là một ngày nghỉ toàn quốc để phục vụ cho công tác đổi tiền.

Vào ngày 17/8, chính quyền ông Nicolas công bố kế hoạch xóa bớt các chữ số 0 trên đồng Bolivar kèm với mức tăng lương tối thiểu lên 60 lần, tăng thuế, phá giá đồng Bolivar 96%, và neo tỷ giá đồng nội tệ và giá cả vào đồng tiền ảo Petro do Chính phủ Venezuela phát hành.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng kế hoạch này sẽ khiến Venezuela phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng trầm trọng hơn bao giờ hết khi hàng hóa bị thiếu hụt và công dân đổ xô di cư sang các quốc gia khác tại Nam Mỹ.

Ông Jose Moreno, một kỹ sư đã nghỉ hưu phàn nàn: “Tôi đã không tìm được bất kỳ máy ATM nào còn tiền cả. Không có tiền, không có nước, không có điện, không có bất kỳ thứ gì cả”.

Sau một thập niên bùng nổ về tiêu dùng nhờ giá dầu tăng cao, giờ đây nhiều người dân Venezuela không có đủ lương thực để sống qua ngày vì lương trung bình một tháng của họ chỉ tương đương vài USD.

Fedecamaras, một tổ chức kinh lớn của Venezuela, ngày 20/8 đã chỉ trích kế hoạch kinh tế của ông Maduro là “ngẫu hứng” và cho rằng kế hoạch này sẽ gây hoang mang và đặt các hoạt động kinh tế của Venezuela vào tình thế “rủi ro nghiêm trọng”.

“Neo buộc tỷ giá đồng Bolivar vào Petro có vẻ là một sai lầm nghiêm trọng. Kế hoạch này rất thiếu nhất quán”, Chủ tịch Fedecamaras, ông Carlos Larrazabal, nói tại một cuộc họp báo.

Tổng thống Maduro gần đây tuyên bố Chính phủ Venezuela sẽ chấm dứt trợ cấp giá xăng dầu, đưa giá bán lẻ xăng dầu lên ngang giá quốc tế. Tuy nhiên, đến ngày 20/8, giá xăng dầu ở Venezuela vẫn giữ nguyên.

Điều khác biệt duy nhất tại các trạm bơm xăng ở Venezuela trong ngày 20/8 là thùng rác chứa đầy những tờ 100 Bolivar – tờ tiền không còn được sử dụng ở Venezuela khi cuộc đổi tiền bắt đầu. Tuy nhiên, những tờ Bolivar cũ có mệnh giá từ 1.000 Bolivar trở lên sẽ được sử dụng song song với những tờ tiền mới trong một thời gian không xác định.

Siêu lạm phát khiến đồng tiền của Venezuela mất giá khủng khiếp, dẫn tới việc một núi tiền chỉ mua được những món đồ gia dụng ít ỏi hàng ngày. Thậm chí, người ta phải dùng những chiếc xe cút kít để chở tiền đi mua đồ dùng hàng tuần. Một kg gà có giá 14,6 triệu Bolivars trong một siêu thị ở Caracas, tương đương 2,22 USD.

Ngay cả những thực phẩm tất yếu nhất như gạo cũng tăng giá. (Ảnh: Reuters)

Cuộc khủng hoảng này đang trầm trọng hơn khi những những tác động tiêu cực của nó đã lan đến quân đội. Binh lính của chính phủ Venezuela phải giành giật để có được đồ ăn. Thậm chí, hàng nghìn binh lính nước này đã cùng người dân nước băng qua sa mạc di chuyển đến các quốc gia khác.

Làn sóng người Venezuela di cư đã và đang khiến các quốc gia láng giềng lo ngại. Vài ngày qua, Ecuador và Peru đều đã thắt chặt quy định về nhập cảnh đối với người Venezuela. Bạo lực đã xảy ra nhằm vào người di cư Venezuela ở biên giới Brazil vào ngày 18/8, khiến hàng nghìn người di cư phải chạy ngược về phía Venezuela.

Lạm phát tại Venezuela kể từ đầu năm nay đã tăng hơn 32.700%, được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ví với Đức năm 1923 và Zimbabwe cuối những năm 2000. Cuối năm nay, con số này được dự báo lên tới 1 triệu phần trăm.

Kiều Ngọc

Exit mobile version