Đại Kỷ Nguyên

Vi phạm Luật Cạnh tranh, vụ Grab thâu tóm Uber tại Việt Nam chính thức bị điều tra

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) vừa ban hành Quyết định số 64/QĐ-CT điều tra chính thức vụ việc tập trung kinh tế giữa Grab và Uber tại Việt Nam.

Theo đó, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng sẽ tiến hành điều tra vụ việc theo đúng quy định của pháp luật cạnh tranh. Thời hạn điều tra chính thức là 180 ngày kể từ ngày có quyết định điều tra chính thức. Trường hợp cần thiết, có thể gia hạn không quá hai lần, mỗi lần không quá 60 ngày.

Sau khi kết thúc điều tra chính thức, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng sẽ chuyển hồ sơ vụ việc cạnh tranh để Hội đồng cạnh tranh tiến hành xử lý theo quy định.

Sau điều tra sơ bộ, Bộ Công Thương ra quyết định điều tra chính thức vụ Grab mua lại Uber.

Trước đó, ngày 16/5, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã công bố kết quả sơ bộ về việc Grab mua lại Uber tại Việt Nam sau một tháng thực hiện điều tra.

Theo đó, việc sáp nhập giữa Grab và Uber tại Việt Nam có thị phần kết hợp vượt ngưỡng 50%. Như vậy, việc tập trung kinh tế giữa Công ty TNHH Grab Taxi và Công ty TNHH Uber Việt Nam có dấu hiệu vi phạm quy định về tập trung kinh tế tại luật Cạnh tranh 2004.

Tuy nhiên, trước đó, trong văn bản giải trình theo yêu cầu, Grab khẳng định việc kết hợp thị phần với Uber trên thị trường Việt Nam có tổng thị phần thấp hơn 30% nên không cần phải báo cáo với cơ quan chức năng về giao dịch. Kể từ ngày 8/4, hoạt động của Uber tại Việt Nam đã hoàn toàn chấm dứt.

Theo quy định luật Cạnh tranh, trường hợp thị phần kết hợp của các bên chiếm từ 30-50% trên thị trường liên quan mà không thông báo cho cơ quan cạnh tranh trước khi thực hiện, doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế sẽ bị phạt tiền đến 10% tổng doanh thu trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi vi phạm. Nếu vượt quá 50% thì giao dịch có khả năng bị cấm thực hiện.

Thương vụ Grab mua lại hoạt động kinh doanh của Uber tại Đông Nam Á được công bố hồi tháng 3 đã khiến nhiều người tiêu dùng tại Việt Nam lo ngại sẽ xảy ra viễn cảnh Grab độc quyền thao túng giá khi không có đối thủ cạnh tranh trực tiếp.

Tại buổi gặp mặt báo chí ngày 9/5, CEO Grab Việt Nam Jerry Lim thừa nhận mức phí của Grab có tăng nhẹ so với trước khi sáp nhập Uber. Cụ thể, ông Jerry Lim cho biết vừa qua Grab có tăng cước phí tối thiểu của dịch vụ GrabCar từ mức 20.000 đồng lên mức 25.000 đồng/cuốc xe.

Lý giải mức tăng cước này, CEO Grab Việt Nam cho rằng do các đối tác tài xế đòi tăng cước tối thiểu khi giá xăng đã tăng 5-6 lần trong năm 2017.

Nguyễn Trang

Exit mobile version