Theo chuyên gia kinh tế, các nhà quản lý của Trung Quốc đang mắc một sai lầm phổ biến là cố gắng hoàn thành quá nhiều mục tiêu đối lập cùng lúc. Điều này khiến các biện pháp kích thích kinh tế không thể trở thành đòn bẩy giúp nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới phục hồi mạnh mẽ như trước kia.
Chia sẻ trên Bloomberg, Andrew Polk, thành viên sáng lập công ty tư vấn Trivium có trụ sở tại Bắc Kinh, cho rằng việc các nhà lãnh đạo Trung Quốc đưa ra quá nhiều mục tiêu trong cùng một thời điểm, trong đó có những mục tiêu mâu thuẫn lẫn nhau càng làm tăng thêm cảm giác thiếu chắc chắn với các hộ gia đình, doanh nghiệp và thị trường. Điều này sẽ tiếp tục tạo áp lực cho sự tăng trưởng của Trung Quốc nói riêng và toàn thế giới nói chung trong năm 2019.
Mặc dù tốc độ tăng trưởng tín dụng giảm xuống mức thấp kỷ lục, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm nhất kể từ năm 2009 và căng thẳng thương mại leo thang, các nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn từ chối tung ra gói kích thích kinh tế quy mô lớn mà họ từng dùng trong khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Thay vào đó, các nhà hoạch định chính sách đang tìm kiếm giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh tổng thể và phân phối vốn cho những doanh nghiệp thực sự cần, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân và các doanh nghiệp nhỏ. Trong vòng 1 tháng qua, mỗi quan chức kinh tế đều đưa ra những biện pháp mới nhằm phân phối vốn cho những tổ chức trên. Ủy ban Ổn định và Phát triển Tài chính Trung Quốc mới đây đã điều các nhóm giám sát từ Bắc Kinh tới nhiều tỉnh khác nhằm đảm bảo thực hiện các chính sách mới nhất.
Vấn đề nằm ở chỗ những nỗ lực trên mâu thuẫn với các chính sách mà chính phủ đưa ra trong suốt năm 2017 và nửa đầu năm nay. Vào thời điểm đó, chính quyền trung ương chủ yếu tập trung giải quyết rủi ro trong hệ thống tài chính thông qua kiểm soát hoạt động vay liên ngân hàng, vay ngoài bảng cân đối và những sản phẩm quản lý tài sản sơ sài. Những nỗ lực này đã giúp lượng tài sản liên ngân hàng tại Trung Quốc giảm hơn 3.000 tỷ Nhân dân tệ trong năm 2017. Đây là lần đầu tiên tài sản liên ngân hàng sụt giảm kể từ năm 2010 khi chương trình kích thích quy mô lớn của chính phủ Trung Quốc tạo ra những thách thức về nợ hiện nay.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc không muốn quay lại con đường giảm rủi ro trong hệ thống tài chính nên họ chỉ đạo các ngân hàng tiếp tục nâng cao quản lý rủi ro và kiểm soát bảng cân đối ngay cả khi phải thực hiện nhiệm vụ tăng cường khoản vay cho các doanh nghiệp nhỏ.
Trong giai đoạn giám sát mới đây, Phó Thống đốc ngân hàng trung ương Trung Quốc Pan Gongsheng đã khuyến khích 30 ngân hàng nhỏ hỗ trợ khu vực tư nhân. Tuy nhiên, những ngân hàng này đang gặp khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ trên bởi họ phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn từ thị trường liên ngân hàng đang suy giảm hơn là tiền gửi tiết kiệm của các hộ gia đình.
Thêm vào đó, mô tả về chính sách tiền tệ mới cập nhật đầu tháng này của ngân hàng trung ương có vẻ khá mơ hồ. Theo đó, chính sách tiền tệ có tính chất “trung lập, thắt chặt vừa phải và nới lỏng vừa phải… [với một] nguồn tiền được kiểm soát tốt”. Chính ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) cũng đã thừa nhận những khó khăn hiện nay khi cùng lúc phải thực hiện rất nhiều mục tiêu mâu thuẫn nhau và hứa hẹn sẽ “điều chỉnh kịp thời và tinh chỉnh… dựa trên tình huống thay đổi.”
Theo PBOC, nguyên nhân khiến cơ chế chuyển đổi chính sách tiền tệ của Trung Quốc thiếu hiệu quả là hỗ trợ tăng thanh khoản vẫn không thể ngăn được tốc độ giảm tăng trưởng tín dụng đã kéo dài 15 tháng. Các ngân hàng hiện không biết nên hành động ra sao trước chính sách đa mục tiêu này. Nhiều ngân hàng lo ngại nếu họ tăng hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ như được chỉ đạo, họ sẽ phải đối diện với nhiều nguy cơ rủi ro sau này.
Chuyên gia Andrew Polk cho rằng để quản lý một nền kinh tế đang chuyển mình với hơn một tỷ người không phải chuyện dễ dàng. Tuy nhiên, các chính sách tại Trung Quốc chỉ thực sự phát huy tác dụng khi ưu tiên tính rõ ràng và bao quát. Đó chính là lý do vì sao các nhà lãnh đạo từng rất thành công trong nỗ lực giảm rủi ro trong hệ thống ngân hàng ở giai đoạn đầu trong năm 2017.
Phát biểu tại một cuộc họp của Bộ Chính trị hồi tháng 4/2017, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh rủi ro tài chính đã trở thành rủi ro an ninh quốc gia, mỗi tổ chức và quan chức kinh tế và tài chính biết làm sao để dồn năng lượng giảm thiểu những rủi ro này.
Hiện nay, các ngân hàng lại được chỉ đạo phải giảm thiểu rủi ro trong khi phải tăng cường cung cấp các khoản vay cho các doanh nghiệp tư nhân vốn tiềm ẩn đầy rủi ro. Chính quyền địa phương được yêu cầu khuyến khích các dự án cơ sở hạ tầng trong khi đang bị đè nặng bởi áp lực ngân sách. Các cơ quan đầu tư nhận được thông báo rằng nền kinh tế vừa tự lực vừa mở cửa với các doanh nghiệp nước ngoài.
Tất cả những chỉ đạo trên đều cho thấy sự thiếu nhất quán trong hoạch định chính sách. Nếu chính sách vẫn tồn tại nhiều điểm thiếu rõ ràng, chính phủ Trung Quốc sẽ khó có thể hoàn thành các mục tiêu đề ra và nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sẽ tiếp tục trên đà trượt dốc.
Vỹ An (Tổng hợp)