Đại Kỷ Nguyên

Vì sao các quán trà sữa ở Việt Nam vẫn ‘sống khỏe’ dù cạnh tranh khốc liệt?

Với khoảng 100 thương hiệu và hơn 1.500 cửa hàng, trà sữa đang thực sự bùng nổ tại Việt Nam. Đáng chú ý, dù các cửa hàng trà sữa mọc lên như nấm, cách 300 mét đường lại có 3-4 thương hiệu khác nhau, các điểm bán hàng này vẫn “trụ vững”.

Bùng nổ trà sữa tại Việt Nam

Trào lưu trà sữa đã xuất hiện tại Việt Nam từ những năm 2000 với công thức đơn giản là trà và sữa trộn cùng các hạt trân châu. Tuy nhiên, khi đó, thị trường chủ yếu là những cửa hàng nhỏ lẻ tự pha chế với giá bán khá rẻ.

Trà sữa đang là thức uống gây “sốt” với giới trẻ tại Việt Nam.

Khoảng 4 năm trở lại đây, trà sữa thực sự bùng nổ tại Việt Nam khi thị trường có sự tham gia của rất nhiều thương hiệu trà sữa quốc tế như Dingtea, Chago, Gongcha, Igongcha, Royal Tea, Tea Story, Toco Toco, Wang Tea và Taiwan Tea Good Tea, Chatime, Bobapop, Citea Fun, Blackball… Trong số những tên tuổi đó, bên cạnh trà sữa Đài Loan, còn có trà sữa Hồng Kông, Thái Lan, Nhật Bản, Singapore…

Tờ Nikkei (Nhật Bản) dẫn một khảo sát tại Việt Nam cho biết hiện có khoảng 100 thương hiệu trà sữa với trên 1.500 điểm bán hàng rải khắp các con phố, tỉnh thành khác nhau tại Việt Nam.

Trong đó, tại Hà Nội, không khó để tìm được một cửa hàng bán trà sữa, thậm chí chưa đầy 300 mét phố có tới 3-4 cửa hàng với đủ thương hiệu trà sữa khác nhau.

Đánh giá về sự thành công của mô hình bán trà sữa trong vài năm gần đây, các chuyên gia cho rằng ngành trà sữa sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới, tăng trưởng ổn định với tốc độ 5,7%/năm và sẽ tiếp tục tăng đến năm 2020, để đáp ứng nhu cầu của giới trẻ (15-34 tuổi), đối tượng tiềm năng chiếm tới hơn 30% dân số Việt Nam.

Chi phí giảm nhưng vẫn siêu lợi nhuận

Chia sẻ trên Nhịp sống kinh tế, chị Mai – chủ 2 cơ sở kinh doanh trà sữa ở Hà Nội – cho biết dù có nhiều đối thủ cạnh tranh và mặt hàng này không còn xa lạ nhưng nhiều người bán trà sữa vẫn “sống khỏe”, thậm chí thu lãi vài trăm triệu đồng mỗi năm.

Theo chị Mai, mức chi phí mở một cửa hàng trà sữa hiện nay không quá cao và có nhiều mức khác nhau so với thời điểm mặt hàng này ồ ạt tràn vào Việt Nam.

Tiểu thương này lấy ví dụ, trà sữa Nhật Bản Goky có phí chuyển nhượng là 10.000 USD (khoảng gần 230 triệu đồng), nguyên liệu lấy đợt đầu là 15.000 USD (khoảng 340 triệu đồng), máy móc mất phí là 5.000 USD (khoảng 113 triệu đồng).

Tính cả chi phí thuê mặt bằng (tùy theo khu vực và thời gian thuê), sửa sang cửa hàng…, mở một cửa hàng trà sữa khoảng trên 1 tỷ đồng. Số vốn này giảm nhiều so với chi phí trước đây khi mở một cửa hàng trà sữa (từ 1,3-2 tỷ đồng).

Các cửa hàng trà sữa mọc lên như nấm sau mưa. (Ảnh: Nhịp sống kinh tế)

Bên cạnh đó, gần đây, nhiều hãng áp dụng chính sách miễn phí nhượng quyền thương hiệu, ví dụ như trà sữa Teafox của Đài Loan. Điều này giúp thu hút người kinh doanh và giảm chi phí mở hàng trà sữa.

Ngoài ra, các tiểu thương cho hay, siêu lợi nhuận là yếu tố quan trọng nhất để cửa hàng phát triển và duy trì trong thời buổi bùng nổ kinh doanh trà sữa.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp, giá mỗi loại đồ uống giao động từ 30.000-60.000 đồng/cốc (1,32-2,64 USD), đắt hơn một chút so với một cốc cà phê. Dù mức giá khá cao, trà sữa vẫn không bớt đi độ “hot” với khách hàng, đặc biệt là người trẻ.

Ước tính lợi nhuận của một cốc trà sữa sau khi trừ hết các chi phí, con số được đưa ra là khoảng 60% so với chi phí bỏ ra.

Kinh doanh trà sữa không “ngọt ngào” cho tất cả

Mặc dù, nhiều tiểu thương và chuyên gia tỏ ra lạc quan về việc kinh doanh trà sữa trong thời điểm hiện tại, không ít trường hợp đã phải sang nhượng cửa hàng vì không đủ vốn duy trì.

Bên cạnh đó, sự gia tăng của hình thức bán trà sữa online, chuyển hàng tận nơi, được tiểu thương nhận định là nguyên nhân khiến nhiều người đóng cửa hàng trà sữa.

Chị Hạnh ở Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ một cửa hàng trà sữa chị mở đầu năm 2017 đã phải đóng cửa vì thua lỗ do nằm ở vị trí không thuận lợi, cửa hàng nhỏ, không hút khách.

“Thời điểm này khá bão hòa, không chỉ cạnh tranh với cửa hàng cùng hệ thống, mà còn với nhiều thương hiệu khác nhau. Thị phần cũng bị chẻ nhỏ khi ngày càng nhiều người bán trà sữa online hay trà sữa handmade”, Nhịp sống kinh tế dẫn lời chị Hạnh nói.

Ông Trần Anh Khoa, một chuyên gia trong ngành kinh doanh nhà hàng và đồ uống, cho rằng: “Bán cà phê thì có thể bán trong hẻm, nhưng trà sữa thì không. Vì vậy, mặt bằng là một trong những yếu tố then chốt quyết định thành công của loại hình kinh doanh này”.

Ngoài ra, ông Khoa nhận định nhiều thương hiệu gia nhập thị trường thì việc cạnh tranh sẽ gay gắt hơn. Trong cuộc chiến đó, sẽ có những thương hiệu bị rớt khỏi cuộc chơi.

Nguyễn Trang

Exit mobile version