Đại Kỷ Nguyên

Việt Nam dính 78 vụ kiện chống bán phá giá, ngành thép bị điều tra nhiều nhất

Đa phần vụ kiện phòng vệ thương mại liên quan đến sắt thép. (Ảnh: VnEconomy)

Vượt mặt Ấn Độ, hàng hóa xuất khẩu Việt Nam là đối tượng được Bộ Thương Mại Mỹ “săn đón” nhiều nhất trong các cuộc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp.

Hàng hóa của Việt Nam là đối tượng bị điều tra của 78 vụ kiện chống bán phá giá trên thế giới, 12 vụ điều tra chống trợ cấp và 17 vụ điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá.

Con số trên được công bố trong cuộc hội thảo “Xu hướng mới trong pháp luật và thực tiễn phòng vệ thương mại ở Hoa Kỳ, cập nhật thông tin và khuyến nghị cho doanh nghiệp” được phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Bộ Công thương tổ chức mới đây.

Trong số 78 vụ điều tra chống bán phá giá của Việt Nam thì có 37 vụ là liên quan đến sắt thép – chiếm gần 1/2 các loại hàng hóa.

Điều tra chống trợ cấp thì lớn hơn, chiếm gần 3/4 các vụ kiện là liên quan đến mặt hàng sắt thép.

Nhóm thứ 2 bị kiện nhiều là mặt hàng dệt. Nguyên nhân là do mặt hàng sợi dệt không được dùng vào quá trình sản xuất hàng dệt may xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ – 2 thị trường đứng đầu trong việc chuyên đi kiện các vụ chống bán phá giá và chống trợ cấp.

Những sản phẩm khác bị kiện chống bán phá giá là mặt hàng nông, thủy sản. Mặc dù không nhiều như 2 mặt hàng kể trên, nhưng đây là một vấn đề đáng quan tâm trong bối cảnh Việt Nam đang hướng các mặt hàng nông sản là lĩnh vực xuất khẩu mũi nhọn.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, cho biết để tiếp cận các thị trường nước ngoài, hàng hóa xuất khẩu Việt Nam đã phải vượt qua nhiều rào cản như vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng vệ thương mại, chống phá giá, trợ cấp… Đó còn chưa kể đến những rào cản mới xuất hiện gần đây mà xuất khẩu Việt Nam may mắn chưa phải đối diện trực diễn như quốc phòng, sở hữu trí tuệ.

Tính đến tháng 5/2018, Bộ Thương mại Hoa Kỳ có hơn 400 lệnh chống bán phá giá và chống trợ cấp có hiệu lực. Số lượng các cuộc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp khởi xướng bởi Bộ Thương mại Hoa Kỳ tăng lên hàng năm, năm 2016 là 56 vụ, năm 2017 có 73 vụ, riêng 5 tháng đầu năm 2018 là 53 vụ.

Về mặt thị trường, hàng hóa Việt Nam phải đối mặt với nhiều vụ việc điều tra chống bán phá giá nhất là ở Mỹ, chiếm khoảng 20% tổng số các vụ việc, đứng thứ 2 là Ấn Độ; và thứ 3 là Thổ Nhĩ Kỳ và Úc.

Theo bà Trang, trong số các nước bị kiện chống phá giá nhiều nhất trên thế giới như Mỹ, Ấn Độ, EU, Brazil, Argentina, Úc… thì Ấn Độ, Argentina, Úc là đã công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường trong các vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp.

Tuy nhiên, một số nước cạnh Việt Nam là Indonesia, Malaysia và Thái Lan đến năm 2011 chưa từng kiện chống bán phá giá Việt Nam nhưng từ năm 2011 đã kiện dồn dập và đây cũng là những nước bị kiện nhiều trên thế giới, bà Trang cho biết.

Kiều Ngọc

Exit mobile version