Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 51/2018/NĐ-CP nhằm tìm cách phát triển lại các sàn giao dịch hàng hóa (SHH). Câu hỏi đặt ra là liệu Nghị định này có thực sự giúp thúc đẩy các sàn hàng hóa hồi sinh.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn, kể từ ngày sở giao dịch hàng hóa VNX ra đời vào năm 2010, đến nay đã trải qua hơn 7 năm. Một số sàn giao dịch hàng hóa sau đó cũng ra đời như năm 2013 là Sở Giao dịch Hàng hóa Info (Hà nội), Trung tâm Giao dịch Cà phê Buôn Ma Thuột sau chuyển thành Sàn Giao dịch Cà phê và Hàng hóa Buôn Ma Thuột (BCEC) vào năm 2015.
Tuy nhiên, hoạt động của các sàn giao dịch này đến nay đều gần như im hơi lặng tiếng. Chính vì vậy, nhiều sàn hàng hóa khác đang muốn xuất đầu lộ diện như hồ tiêu, cao su… nhưng vẫn đang ngần ngại chưa muốn thử vì sợ gặp phải “vết xe đổ” của nhưng đơn vị đi trước.
Việt Nam là một nước có đầy đủ năng lực cung ứng hàng hóa, đặc biệt là nông sản như lúa gạo, cà phê, hồ tiêu, cao su, tôm cá… nhưng kinh nghiệm cho thấy hàng chưa chạm cửa sở giao dịch lại phải dội ra. Nhiều người đánh giá rằng đó là do nông dân và giới kinh doanh nông sản đã có thói quen mua bán manh mún, nhỏ lẻ và chưa chịu nổi cách giao dịch hiện đại.
Nhìn bề ngoài, giải thích như thế có vẻ hợp lý, nhưng thật ra rất oan cho người có hàng muốn bán.
Nói thẳng ra, mục tiêu, phương hướng và phương thức hoạt động của các sở hàng hóa của Việt Nam xuất hiện trước đây hầu hết đều không rõ ràng: hoặc là do quá rập khuôn theo các mô hình hoạt động của các SHH nước ngoài, hoặc là chưa đủ các điều kiện về cơ sở hạ tầng và vốn.
Thật ra, hoạt động SHH nước ngoài như ta thấy hiện nay là những sàn giao dịch hàng hóa/tài chính phái sinh. Từ cuối thế kỷ trước, nhiều sàn dù có tên là sàn ca cao, bông vải, đậu nành… đã không dùng bản thân hàng hóa như phương tiện và cơ sở giao dịch, mà đòn bẩy của nó là tài chính, là vốn. Nên cần phải hiểu rằng giá cả tăng giảm của một sàn hàng hóa phái sinh nào đó hầu như rất ít bị chi phối bởi cán cân cung – cầu mà do mua bán vốn, thay đổi trong các chính sách tiền tệ và các tin đồn đủ thứ… đôi khi còn hơn cả các thị trường chứng khoán.
Nhiều người chắc chắn đã từng chứng kiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh cà phê, cao su, bông vải, kim loại vàng, sắt thép… trong nước biết bao lần lao đao vì giá không do mình làm và không dựa trên cán cân cung – cầu như mình nhận định, dẫn đến thua lỗ.
Các chủ SHH Việt Nam chưa dứt khoát giữa hoạt động kinh doanh hàng hóa hay dùng SHH như là công cụ kinh doanh để giảm thiểu rủi ro về giá. Khi sử dụng nó như công cụ giảm thiểu rủi ro, thì lưu ý rằng nói là mua bán trên SHH ấy nhưng không phải vì mục đích kiếm tiền mà chỉ để bảo vệ khỏi rủi ro. Chính vì thế, “thương vụ” với SHH ấy không có giao nhận hàng thực mà thường thanh lý hợp đồng mua bán bằng tờ giấy có giá nên mới gọi là “hàng giấy”.
Đối với sàn hàng giấy hay các SHH hiện đại ở nước ngoài hiện nay, do mục tiêu là mua bán đầu tư và đầu cơ tài chính, chỉ cần nộp 1/10 giá trị hàng hóa thực ngoài thị trường mà người trên sàn gọi là khoản tiền ký quỹ, là người tham gia có thể mua bán hay đặt cược thoải mái. Mức ký quỹ hấp dẫn ấy thực ra để thu hút người chơi và rõ ràng chủ sàn không thể để mình thua và phải chi tiền cho người thắng mà chủ sàn chẳng có hàng hóa nào để nhận.
Nhìn từ góc độ này, SHH hiện nay như một sòng bạc nếu như người tham gia sử dụng không đúng mục đích hay dùng nó để đầu cơ kiếm lời. Thật ra, phí giao dịch đối với các SHH nước ngoài rất rẻ, chỉ vài USD cho một hợp đồng như cà phê chẳng hạn, trong khi chi phí giao dịch tại Việt Nam rất cao, thường từ 7-12 USD cho mỗi hợp đồng.
Rõ ràng SHH Việt Nam khi được liên thông, rất nhiều khả năng nhiều doanh nghiệp sẵn sàng chấp nhận làm “cò” cho sàn nước ngoài vì chi phí hoa hồng béo bở mà không cần động não để mua bán xuất khẩu hàng hóa nào nữa.
Vậy SHH Việt Nam nên theo hướng nào? Xuất phát điểm của Việt Nam là một nước xuất khẩu nhiều loại hàng hóa nông sản lớn, nhưng thiếu vốn, thiếu hạ tầng, thiếu liên thông với thị trường vốn thế giới, nên hoặc phải chọn theo hướng mua bán thuần hàng hóa và xuất khẩu, hoặc đi cùng SHH thế giới theo kiểu nghiêng về đầu tư đầu cơ tài chính.
Chỉ để muốn bằng nước người cũng không thể được, ít ra trong giai đoạn vài chục năm tới đây, vì nay kinh doanh SHH theo mô hình nước ngoài, người ta đọ nhau không chỉ bằng vốn lớn, mà còn khai thác kho tàng dữ liệu lớn và băng thông mạnh. Cứ mỗi năm đường cáp quang dưới biển đứt vài lần thì đủ để thua người ta rồi vì họ chỉ cần nhanh tay hơn nhà kinh doanh Việt Nam 1/100 giây là người ta “ăn hết”.
Nếu thực sự muốn kinh doanh hàng hóa, không thể không phát triển bến bãi kho tàng, chuyên gia tiếp thị, nhà kinh doanh biết sâu ngành hàng… Như vậy, phải thấy rằng SHH như ta đang thấy ở các nước không phải là nơi các nhà kinh doanh hàng hóa kiếm tiền.
Để có nguồn hàng kinh doanh cho SHH, không thể rập khuôn các hợp đồng của các SHH khác mà làm sao dung nạp được các chất lượng, thu nhận hàng hóa dễ nhất… khâu chế biến và tiêu thụ chính SHH phải lo.
Ngoài ra, hoạt động của một SHH còn phụ thuộc rất nhiều vào tính thanh khoản. Với tư cách một SHH thực sự, vai trò của ngân hàng, nhà cung ứng vốn, giới đầu tư tài chính trong nước… là cực kỳ quan trọng mới bảo đảm được hoạt động của SHH trong nước.
Dù Nghị định mới của Chính phủ rất cởi mở, kêu gọi nước ngoài góp vốn mở SHH để hoạt động xem ra rất khó thành công vì giao dịch hàng hóa theo cách thế giới làm hiện nay là rất rủi ro, trong khi các doanh nghiệp vận hành SHH Việt Nam chưa tỏ tường mục tiêu của đơn vị mình làm… thì khó thuyết phục người ta dám góp gạo nấu cơm chung.
Quang Minh tổng hợp