Xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang Hàn Quốc đang có sự bứt tốc mạnh, giúp thu hẹp khoảng cách thị phần với dệt may Trung Quốc về mức gần như ngang bằng ở thời điểm hiện tại.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Hàn Quốc trong 7 tháng đầu năm 2018 đạt trên 10,2 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ năm 2017.
Trong đó, điện thoại và linh kiện, dệt may, máy vi tính sản phẩm điện tử là 3 nhóm hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, chiếm trên 40% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào thị trường này.
Đặc biệt, mặt hàng dệt may đã có sự bứt phá mạnh mẽ tại thị trường Hàn Quốc trong những tháng đầu năm nay.
Tính chung 7 tháng đầu năm, xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường Hàn Quốc đạt kim ngạch 1,5 tỷ USD, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2017. Riêng trong tháng 7, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt 270,7 triệu USD, tăng 24,2% so với tháng trước đó và tăng 24,1% so với cùng kỳ.
Hiện Trung Quốc và Việt Nam là hai nhà cung cấp hàng may mặc lớn nhất vào thị trường Hàn Quốc với thị phần chiếm lần lượt là 34,46% và 32,67%.
Trong khi đó, cách đây 3 năm, khoảng cách thị phần dệt may tại Hàn Quốc của Trung Quốc và Việt Nam chênh lệch nhau khá lớn, lần lượt là 40,18% và 29,52%.
Theo Bộ Công Thương, sở dĩ kim ngạch hàng dệt may xuất sang Hàn Quốc tăng mạnh trong những năm gần đây chủ yếu do sức cạnh tranh cao của hàng may mặc Việt Nam và khả năng chi tiêu của người tiêu dùng Hàn Quốc tăng.
Bên cạnh đó, hàng dệt may xuất khẩu còn được hưởng lợi ưu đãi thuế quan từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc.
Dự báo từ nay đến cuối năm, hàng dệt may của Việt Nam xuất sang Hàn Quốc sẽ tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm 2017, nâng kim ngạch xuất khẩu cả năm 2018 đạt 3,2 tỷ USD, tăng 22% so với năm 2017.
Hiện Việt Nam được đánh giá là nhà cung cấp hàng may mặc có lợi thế lớn nhất vào Hàn Quốc và có nhiều khả năng sẽ sớm vượt qua Trung Quốc trở thành nhà cung cấp hàng may mặc lớn nhất vào thị trường này.
Trước đó, hồi cuối tháng 7, nhận định về tình hình xuất khẩu của dệt may Việt Nam những tháng cuối năm 2018, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho rằng những diễn biến mới từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đang theo hướng có lợi cho hàng hóa Việt Nam. VITAS dự báo tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may cả năm có thể đạt 35 tỷ USD, vượt 1 tỷ USD so với kế hoạch. Theo các chuyên gia, cuộc chiến thuế quan giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể đem lại cơ hội tăng thị phần xuất khẩu sang Mỹ cho dệt may Việt Nam. Nguyên nhân là bởi trong danh sách 20 mặt hàng dệt may có cơ hội chiếm thị phần tại Mỹ khi Trung Quốc bị tăng thuế nhập khẩu, Việt Nam có 5 mặt hàng có thế mạnh gồm vải canvas, vải mành làm lốp xe các loại, vải dệt thoi từ sợi xơ dài tổng hợp, sợi xơ ngắn tổng hợp PE. Bên cạnh đó, với lợi thế về nhân công, môi trường kinh doanh và chính trị ổn định, Việt Nam được đánh giá là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Như vậy, nếu tận dụng tốt cơ hội từ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, Việt Nam có thể hình thành chuỗi sản xuất hàng hóa khép kín và rất có lợi trên thị trường xuất khẩu. |
Vỹ An