Lòng trung thành của chú chó Bim trắng tai đen, sức sống mãnh liệt Buck…, sự nhân cách các con vật đã trở thành những thước phim sinh động tái hiện cuộc sống thực của con người.
Con Bim trắng tai đen – Gabriel Troepolsky
Con Bim trắng tai đen là tiểu thuyết của Gavriil Troyepolsky được xuất bản vào năm 1971. Lòng trung thành của những “người bạn 4 chân” chính là cảm hứng giúp Troyepolsky xây dựng nên câu chuyện cảm động, chạm tới trái tim người đọc.
Do phải lên thành phố chữa bệnh, ông chủ Ivan Ivanovich phải gửi chú cún cưng Bim cho hành xóm chăm sóc. Nhớ anh, Bim bỏ ăn, hàng ngày lại ra phố trông ngóng chủ nhân. Cuối cùng, chú chó quyết định lên đường đi tìm chủ.
Trên hành trình đơn độc giữa mùa đông giá rét, Bim trải qua không biết bao nhiêu nguy hiểm, gian nan. Bim băng qua những cánh rừng rậm, bị bắt, bị đánh đập, tàn tạ và kiệt sức. Nhưng tất cả vẫn không ngăn được bước chân và lòng trung thành của chú với chủ nhân.
Sau bao gắng gượng, đến khi gặp được Ivan Ivanovich, Bim lại ra đi mãi mãi. Bim xuất hiện trên trang sách của Gavriil Troyepolsky như một nhân vật độc lập, sinh động, có tính cách và nội tâm phong phú.
Gió qua rặng liễu – Kenneth Grahame
Được nhà văn người Anh Kenneth Grahame viết từ năm 1908, Gió qua rặng liễu vẫn còn nguyên giá trị nhân văn tới tận bây giờ. Sách xoay quanh 4 người bạn nhỏ: chú Chuột Chũi, anh Chuột Nước, thằng Cóc và bác Lửng.
Câu chuyện bắt đầu vào một ngày xuân, khi Chuột Chũi bị chinh phục bởi không khí tươi vui và ấm áp trên mặt đất. Chú quyết định rời tổ và đi ngao du bên ngoài. Dọc đường đi, Chuột Chũi làm quen được nhiều người bạn mới. Đó là cô Chuột Nước phóng khoáng, tốt bụng, bác Lửng nghiêm nghị, sống độc thân trong khu rừng hoang và cậu Cóc tự cao tự đại, viển vông.
Người đọc sẽ theo chân họ tham gia chuyến phiêu du thế giới qua dòng sông, bờ cỏ, khu rừng… với bao cảnh sắc kỳ ảo, rực rỡ. Một thế giới của loài vật nhưng chứa đựng bao nhiêu hoài bão tuổi trẻ và tình bạn sâu sắc. Sau cùng, Gió qua rặng liễu còn khắc họa nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương.
Chi tiết Chuột Chũi tìm về ngôi nhà xưa mà chú từng quên bẵng khiến nhiều người cảm động. Căn nhà nhỏ còn đó, không ấm cúng như nhà Chuột Nước, không đẹp đẽ như lâu đài Cóc hay đồ sộ như nhà bác Lửng, nhưng nó vẫn là tổ ấm của riêng Chuột Chũi.
Đồi thỏ – Richard Adams
Những chú thỏ vẫn được coi là nhút nhát và rụt rè. Nhưng qua trang sách của nhà văn Richard Adams, thỏ lại hiện lên đầy mạnh mẽ và đoàn kết.
Đồi thỏ mở đầu bằng bức tranh thiên nhiên muôn màu muôn vẻ. Nơi thỏ sinh sống là vùng đất trống sát bìa rừng, có những bụi mâm xôi rậm rạp, hoa anh thảo xen kẽ vô số loại cây. Từ đây, những cuộc phiêu lưu nối tiếp nhau, đưa bạn đến với thế giới mới mẻ và thú vị.
Với từng cái tên như Cây Phỉ, Thứ Năm, Tóc Giả, Nồi Đất, Mâm Xôi, Anh Thảo Vàng… thế giới loài thỏ lại đầy ắp cá tính. Từ những chú thỏ non trong đồi thỏ, chúng dám dấn thân, đối đầu với hiểm nguy, cám dỗ để tìm tới vùng đất tốt hơn. Qua đây, người đọc càng thêm hiểu hơn về sức mạnh đoàn kết có thể giúp những con vật nhỏ bé đạt được chiến công ngoài sức tưởng tượng.
Đồi thỏ là sự biến hóa ngòi bút của tác giả, khi nhẹ nhàng, khi bay bổng. Tác phẩm được nhận Huy chương Carnegie và giải thưởng Guardian cho thể loại tiểu thuyết viết cho thiếu nhi (1972).
Tiếng gọi nơi hoang dã – Jack London
Tiếng gọi nơi hoang dã là cái tên không còn xa lạ với những người yêu sách. Câu chuyện kể về chú chó tên Buck được nuôi dưỡng trong một gia đình giàu có và được cưng chiều. Biến cố xảy đến khi Buck bị bắt khỏi trang trại. Chú trở thành chó kéo xe cho những người đi tìm vàng ở vùng Alaska lạnh giá.
Buck trở lại cuộc sống hoang dã và sống chung với lũ sói. Từ một chú chó “vương giả”, Buck phải làm quen với những trận đòn roi, lời quát mắng… Buck dần quen với môi trường mới, sống theo bản năng và trở nên dũng mãnh.
Cảm xúc của bạn như bị cuốn vào từng trang sách: thư thái với cuộc sống an nhàn của Buck, lo lắng khi nó bị bắt đi, giận dữ khi chú bị bóc lột sức lao động và khâm phục khi Buck vượt lên tất cả trở thành chú chó hoang mạnh mẽ…
Không chỉ đơn giản xoay quanh cuộc đời thăng trầm của một chú chó,Tiếng gọi nơi hoang dã còn là những giá trị nhân văn sâu sắc về tình yêu thương.
(Tổng hợp)