Trước tình trạng khoai lang rớt giá do phía thị trường Trung Quốc tạm ngừng nhập khẩu, tỉnh Vĩnh Long đã “cầu cứu” Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) “tìm đường đi” cho mặt hàng nông sản này.
Theo Lao động, UBND tỉnh Vĩnh Long ngày 30/10 cho biết đã có văn bản gửi Bộ NN&PTNT đề nghị bổ sung khoai lang vào danh mục hàng hóa xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Vĩnh Long được xem là thủ phủ của khoai lang ở vùng ĐBSCL, tập trung chủ yếu tại huyện Bình Tân và một số vùng lân cận.
Khoai lang được tỉnh xác định là một trong ba loại nông sản chủ lực, được chọn tập trung đầu tư, phát triển với diện tích duy trì từ 10.000-14.500 ha.
Khoai được trồng ở Vĩnh Long chủ yếu là khoai lang tím Nhật Bản, chiếm trên 80% diện tích. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc.
Theo thống kê, nông dân thu hoạch khoai bán với giá từ 350.000 đồng đến 1 triệu đồng/tạ (ở Vĩnh Long 1 tạ = 60 kg) mới đảm bảo có lời. Tuy nhiên, từ khoảng tháng 9 đến nay, giá khoai ở Vĩnh Long liên tục giảm mạnh xuống còn khoảng 230.000-280.000 đồng/tạ, thấp hơn giá thành sản xuất.
Trước thực trạng trên, Chủ tịch tỉnh Vĩnh Long đề nghị bộ trưởng NN&PTNT xem xét, báo cáo Chính phủ và có ý kiến với các Bộ, ngành liên quan đàm phán, thỏa thuận với Trung Quốc đưa khoai lang vào danh mục hàng hóa được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường đông dân nhất thế giới này.
Theo Vietnamnet, nhiều người cho rằng việc Trung Quốc ngừng mua, giá giảm, nông dân thua lỗ thực tế là câu chuyện buồn dài tập của nông sản Việt Nam vì tình trạng này đã lặp đi lặp lại nhiều lần trong nhiều năm qua.
Mới đây nhất, hồi đầu tháng 10, hàng vạn nông dân ở nhiều tỉnh phải khóc ròng vì thanh long chín đỏ vườn, giá rớt thê thảm. Nguyên nhân một phần cũng là do thị trường Trung Quốc ngừng nhập khẩu.
Hay như vào thời điểm đầu năm, giá dưa hấu dao động khoảng 7.000-8.000 đồng/kg, nhưng đến đầu tháng 5 năm nay nhiều nông dân ở Quảng Ngãi và Quảng Trị lâm vào cảnh điêu đứng do giá dưa hấu rớt thảm xuống chỉ còn 1.000-1.200 đồng/kg.
Nguyên nhân khiến giá dưa giảm cũng là do thị trường Trung Quốc ngừng “ăn hàng” dẫn đến cung vượt cầu. Khi đó, cách giải quyết quen thuộc để giúp bà con nông dân tiêu thụ hết hàng nghìn tấn dưa hấu không bán được vẫn là những chiến dịch kêu gọi giải cứu diễn ra trên khắp các tỉnh thành.
Tại hội thảo “Nâng cao hiệu quả tiếp cận thị trường Trung Quốc cho nông sản Việt” diễn ra vào cuối tháng 8, ông Vĩ Tích Thành – Tham tán Thương mại và kinh tế, Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại Tp.HCM, cho rằng nông sản Việt Nam gặp khó là bởi người Việt chưa hiểu về thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp chưa chủ động xem thị hiếu, nhu cầu của người dân Trung Quốc là gì để từ đó tập trung sản xuất. Ngược lại, chính các thương lái Trung Quốc đã đi tìm gặp nông dân để thu mua.
Đồng quan điểm, ông Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp Nông thôn, cũng cho rằng Việt Nam cần chú tâm tới nghiên cứu thị trường, phân tích thị trường để kết nối với thị trường mới và phân khúc mới, đối tượng mới.
Theo ông Sơn, tất cả các thị trường đang thay đổi chứ không riêng gì Trung Quốc. Họ đang chú trọng đến những nông sản chất lượng, truy xuất được nguồn gốc. Các doanh nghiệp và người dân phải nắm bắt được để đó để điều chỉnh sản xuất cho phù hợp, nếu không câu chuyện dư thừa và đổ bỏ nông sản như hiện nay sẽ vẫn tiếp tục xảy ra.
(Tổng hợp)