Mưa lớn kéo dài làm vỡ đê, đập nước tại các huyện Quỳnh Lưu, Yên Thành… ở Nghệ An khiến cho nhiều nhà dân bị chia cắt trong nước lũ, ngập úng hàng nghìn ha diện tích hoa màu.
Đến ngày 19/7, Nghệ An vẫn mưa lớn do ảnh hưởng của bão Sơn Tinh gây ngập úng, chia cắt nhiều tuyến đường. Các huyện miền núi như Quỳ Hợp, Quế Phong, Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông bị ngập cục bộ, một số bản làng bị cô lập, theo Báo Zing.
Tại huyện Yên Thành, có trên 4.400 ha lúa hè thu trong thời kỳ ngậm đòng và gần 100 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập; trên 25 ha rừng bị gãy, hàng nghìn gia cầm, thủy cầm bị lũ cuốn trôi.
Theo Báo Nghệ An, có hơn 900 hộ dân ở các xã Long Thành, Khánh Thành, Bảo Thành, Công Thành, Trung Thành bị nước tràn vào nhà. Ngoài ra, 140 hộ dân của xóm 5, xã Bảo Thành đang bị nước lũ cô lập.
Một số đê, đập bị vỡ, sụt lún tại các xã: Bảo Thành, Thịnh Thành, Đồng Thành, Khánh Thành, Tân Thành, Phúc Thành.
Quốc lộ 7A, đoạn từ xã Công Thành đến Bảo Thành dài 2 km bị ngập từ 0,5-0,7 m, phương tiện không thể lưu thông. Quốc lộ 7B đoạn qua khu vực chợ Rộc, xã Trung Thành bị ngập sâu; nhiều tuyến đường liên huyện bị sạt lở nghiêm trọng; 21 cột điện bị đổ.
Tại huyện Quế Phong, một số sông suối nước dâng cao. Hai cầu tràn đường liên xã từ trung tâm huyện dẫn vào xã Nậm Giải và Quang Phong nước cao khoảng 1 m, bị chia cắt hoàn toàn.
Huyện Quỳnh Lưu, gần 2.000 ha lúa, 219 ha ngô, 723 ha rau màu các loại bị ngập úng. Có 243 ha nuôi trồng thủy sản bị ngập nặng.
Huyện Quỳ Châu đã phải di dời gần 80 hộ dân ở những nơi có nguy cơ bị sạt lở. Nhiều cầu tràn ở đường liên xã sạt lở, Quốc lộ 48 qua địa bàn nước ngập sâu khiến phương tiện giao thông không thể qua lại.
Tương tự, huyện Quỳ Hợp 4 xã cũng bị cô lập, nước lũ chia cắt nhiều tuyến đường giao thông. Tuyến Quốc lộ 48C đoạn qua xã Châu Cường bị ngập hơn 1m, chia cắt các xã Châu Cường, Châu Hồng, Châu Tiến, Châu Thành với các xã vùng ngoài..
Hiện nay, hơn 430 hồ đập ở Nghệ An đã tích đầy nước. Trong đó, đập Ô Quan ở xã Đại Sơn (huyện Đô Lương) do đang thi công nên nền đất yếu nên các hộ dân ở chân đập đã phải di dời.
Như Quỳnh