Đại Kỷ Nguyên

Xuất khẩu lao động sang Saudi Arabia, sự thật khiến người dân hoang mang

Cuộc sống khổ cực của những người lao động ở nước ngoài. Ảnh minh họa.

Tưởng rằng Saudi Arabia – xứ sở của dầu mỏ, của những tòa nhà chọc trời, siêu xe… sẽ là thiên đường trong giấc mơ của người lao động. Nhưng có lẽ, nó chỉ là cơn ác mộng cho những người đã và đang trải qua.  

Thời gian vừa qua, Cục Quản lý lao động ngoài nước nhận được nhiều đơn thư của gia đình người lao động sinh sống tại khu vực Tây Ninh, Tuyên Quang, Nghệ An và Hà Tĩnh phản ánh người thân bị một số cá nhân, tổ chức môi giới, đưa sang làm giúp việc gia đình tại Saudi Arabia.

Hầu hết, những đơn thư đều có nội dung kiến nghị về tình trạng sinh sống, lao động của người thân. Thậm chí còn có cả đơn thư cầu cứu khi họ không liên lạc được với người thân ở nước ngoài.

Nhiều người vẫn không hết hoang mang khi kể về quãng thời gian lao động ở nước ngoài. (Ảnh minh họa).

Theo ghi nhận của phóng viên báo Lao động, khá nhiều trường hợp người xuất khẩu lao động trở về nước với trạng thái hoang mang, sợ hãi. Dường như những viễn cảnh tốt đẹp của họ về một đất nước giàu có, một đất nước của những tòa nhà chọc trời, siêu xe đã sụp đổ hoàn toàn.

Bà Đinh Thị Thành ở xã Cần Kiệm (Thạch Thất – Hà Nội) không giấu nổi sự sợ hãi, mệt mỏi khi kể lại hành trình từ người phụ nữ vốn quen bếp núc, phụ việc mộc của chồng để trở thành người khóc cạn nước mắt ở “trời Tây”.

Vì gánh nặng nuôi 3 đứa con ăn học nên bà Thành mới quyết tâm đi với lời mời gọi: “Chỉ giặt giũ, lau nhà”. Ai ngờ khi “thoát khỏi lũy tre làng”, bà mới thấu cái khổ, cực nơi này. Vậy nên mặc dù bị người chủ nợ 7 tháng lương (tương đương với 50 triệu đồng), bà vẫn quyết tâm “dứt áo” về nước.

Có lẽ vì bị áp lực, căng thẳng trong suốt 2 năm “giặt giũ, cơm nước” ở trời Tây nên khi về nước, bà liên tục ốm yếu và khi đi khám, phát hiện 2 khối u ở ngực.

Chị Trần Thị Tr. (Phổ Yên – Thái Nguyên) may mắn hơn bà Thành vì không bị nợ lương, nhưng cuộc trở về cũng gian nan không kém.

“Trước khi về em bị chủ nhà dọa nạt, đánh đập và cắt liên lạc hoàn toàn với gia đình cả tháng. Người ở nhà bấn loạn vì không biết em sống chết ra sao? em bên này cũng khóc không còn nước mắt vì nhớ con, nhớ nhà…” – chị Tr. nói.

Không những thế, chị Tr., cô phải sống 1,5 tháng trong trại tị nạn trước khi được đưa về Việt Nam. Mỗi ngày, những lao động từ nhiều nước bị chủ mang ra “vứt” vào trại lại nhiều thêm. Những người sống ở đây phải trả chi phí ăn, ở với giá trên trời (khoảng 600.000 đồng/ngày; mua 1 lạng xà phòng khoảng 60.000 đồng, 1 hộp mỳ tôm giá 30.000 đồng).

Bi đát và cay đắng hơn là trường hợp lao động Phạm Thị Xoa (xã Cẩm Sơn, Cẩm Giàng, Hải Dương). Trong thời gian đi làm thuê ở đất nước này, bà Xoa thường xuyên bị nhà chủ đánh đập, hành hung dã man, không cho sử dụng điện thoại, không được trả lương.

Mặc dù khốn đốn như vậy nhưng mỗi khi gia đình, người thân của những người đi xuất khẩu lao động cầu cứu doanh nghiệp phái cử thì họ chỉ được nhận duy nhất 1 câu: “Chờ giải quyết”.

Và có những cuộc đợi chờ kéo dài cả năm trời; có trường hợp lao động về nước cũng phải co kéo cả vài năm mới đòi được nợ. Tuy vậy, ta vẫn có thể khẳng định đó vẫn là những người “may mắn”, những người thoát được “ngục tối” để trở về. Ở viễn xứ, còn bao nhiêu người phải chịu cay đắng tủi nhục để đợi ngày được đoàn tụ?

Khuyến cáo người lao động

Ông Lê Thanh Hà – Trưởng phòng Hàn Quốc – Tây Á – Châu Phi (Cục Quản lý lao động ngoài nước) – thừa nhận người lao động phải chịu các rủi ro khi không được đào tạo kỹ lưỡng trước khi đi làm việc nước ngoài.

Theo ông, nguyên nhân bắt nguồn từ hai phía, do một số doanh nghiệp nóng vội, muốn đưa người lao động “đi nhanh” hoặc người lao động “lười học” mà muốn đi làm việc ngay. Khi đó, người lao động không được trang bị về ngôn ngữ, kỹ năng làm việc… khiến họ không đáp ứng yêu cầu của chủ sử dụng lao động. Điều này, người lao động chịu những thiệt thòi.

Ông Hà cũng thừa nhận, Saudi Arabia khá dễ tính, không sang tận nơi để sát hạch như các thị trường khác. Họ đã ủy quyền cho phía Việt Nam vậy nên doanh nghiệp và người lao động phải tự nâng cao ý thức, nhận thức trong việc này.

Theo đó, Bộ LĐTBXH yêu cầu các DN nghiêm túc chấp hành các nội dung đưa người lao động đi làm việc nước ngoài. Người lao động có thể gọi điện phản ánh để được cơ quan chức năng hướng dẫn cách thức để cung cấp thông tin đầy đủ bảo vệ quyền lợi của họ.

Hoàng Minh (TH)

Exit mobile version