Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho biết, 6,8 tấn đầu đạn, mảnh kim loại được thu gom tại xã Văn Môn đã bàn giao cho Trường bắn quốc gia khu vực 1, đóng ở huyện Lục Ngạn và Sơn Động (Bắc Giang) để xử lý.
Về câu hỏi có còn đầu đạn, vật liệu nổ ở khu vực xã Văn Môn hay không, đại diện Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho biết, quá trình tìm kiếm, rà soát thu gom vẫn được tiến hành và chưa có kết luận cuối. Cùng với đó, tiếp tục khai thác lời khai của chủ cơ sở phế liệu Nguyễn Văn Tiến để mở rộng tìm kiếm.
Những ngày qua, lực lượng chức năng tỉnh Bắc Ninh có mặt ở làng Quan Độ (Văn Môn, Yên Phong, Bắc Ninh) để bảo vệ hiện trường, thu gom vật liệu nổ còn sót lại, theo VnExpress.
Cũng qua lời khai của Nguyễn Văn Tiến, lực lương chức năng xác nhận, trước khi xảy ra vụ nổ, chủ kho phế liệu này đã xếp các đầu đạn thành khối rồi rải muối lên “để hủy với mục đích thu kim loại nhằm tái chế”.
Mục đích của việc làm này, theo ông Tiến là để vỏ đạn nhanh ôxy hóa, từ đó tiết kiệm thời gian, công sức thu kim loại tái chế.
Có thể, chủ cơ sở này cho rằng, việc rắc muối lên sẽ làm han rỉ vỏ đạn ở những chỗ mỏng nhất, sau đó có vỏ đạt có thể rút, tách dễ dàng, vừa thu được kim loại và lấy được cả thuốc nổ.
Tuy nhiên, ông Vũ Quốc Bình (Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam) cho biết, việc làm này hết sức nguy hiểm vì khi muối tiếp xúc với vỏ đạn có thể tạo ra phốt pho, lưu huỳnh, khi gặp ôxy dễ gây cháy nổ, theo Dân Việt.
Trước đó, khoảng 4h30 ngày 3/1, tại thôn Quan Độ (xã Văn Môn, huyện Yên Phong, Bắc Ninh) xảy ra một vụ nổ khiến 2 cháu bé tử vong, 8 người bị thương và gần 10 ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn. Hàng chục căn nhà trong bán kính 1 km cũng bị ảnh hưởng.
Sau khi bị bắt, ông Nguyễn Văn Tiến, Chủ kho phế liệu đã khai “mua 7 tấn đạn cũ 12 ly 7 và 14 ly 5 từ một cán bộ của Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn quốc gia”.
Thông tin sẽ tiếp tục được cập nhật.
Khôi Minh