Đại Kỷ Nguyên

WEF ASEAN 2018: Việt Nam có cơ hội đón vốn ngoại từ cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung

Giám đốc Điều hành Ban thư ký APEC Alan Bollard. (Ảnh: Dân trí)

Trao đổi tại phiên thảo luận về thương mại và kinh tế trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN 2018) khai mạc sáng 12/9 tại Hà Nội, Giám đốc Điều hành Ban thư ký APEC Alan Bollard cho rằng xung đột thương mại Mỹ – Trung sẽ khiến các doanh nghiệp chuyển hoạt động sản xuất tại Trung Quốc sang các nước khác, trong đó có Việt Nam.

Theo TS. Alan Bollard, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang leo thang căng thẳng, bên cạnh những tác động tiêu cực còn có cả cơ hội song hành.

Vị chuyên gia kinh tế này lấy dẫn chứng việc Mỹ áp đặt thuế quan lên hàng chục tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc đã gây ra căng thẳng trong chuỗi cung ứng ở ASEAN. Nguyên nhân là bởi một phần hàng hoá được sản xuất ở ASEAN, sau đó chuyển sang Trung Quốc lắp ráp rồi xuất khẩu sang Mỹ. Rõ ràng, chiến tranh thương mại không chỉ tác động đến Trung Quốc mà còn nhiều quốc gia khác.

Tuy nhiên, TS. Alan Bollard cho rằng, với lợi thế chi phí nhân công rẻ hơn, Việt Nam có có hội đón vốn đầu tư nước ngoài khi các doanh nghiệp có xu hướng chuyển dịch hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang các nước khác để tránh thuế suất cao của Mỹ.

TS. Alan Bollard phân tích tiếp theo chiến tranh thương mại sẽ có thay đổi trong quy trình sản xuất. Trước đây, Trung Quốc được mệnh danh là phân xưởng của thế giới nhờ sở hữu tất cả những lợi thế về sản xuất. Thế nhưng, giờ đây nhiều doanh nghiệp cũng xem xét chuyển dịch hoạt động sản xuất. Đương nhiên, một số nước sẽ có cơ hội đón nhận nguồn vốn đầu tư này. Ngoài ra, trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang, nhiều nền kinh tế trên thế giới có thể bị tăng trưởng chậm lại, nhưng một số quốc gia khác lại có cơ hội thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo bảng xếp hạng cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), nếu năm 2006, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 77 thì đến năm 2017 đã được nâng hạng lên vị trí thứ 55. Trong bảng xếp hạng về thuận lợi môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 68 trong năm 2017, trong khi năm 2007 vị trí này là 104.

Trong một bài viết nhân WEF ASEAN 2018, ông Peter Vanham, Trưởng bộ phận truyền thông của Mỹ tại WEF 2018, cũng cho rằng Việt Nam sẽ hưởng lợi thay vì chịu tổn thương bởi căng thẳng thương mại toàn cầu. Động thái tăng thuế với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc của chính phủ Mỹ đang khiến nhiều doanh nghiệp chuyển nhà máy sản xuất sang Việt Nam.

Về phía Việt Nam, chia sẻ trên Bloomberg ngày 11/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Việt Nam sẽ sử dụng kết hợp các thoả thuận thương mại và cải cách trong nước để có thể vượt qua những ảnh hưởng từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung.

Ngày 12/9, WEF ASEAN 2018 chính thức khai mạc tại Hà Nội với sự tham dự của lãnh đạo các nền kinh tế thế giới và gần 1.000 đại biểu đến từ các tập đoàn đa quốc gia. Đây là hoạt động đối ngoại đa phương lớn nhất trong năm do Việt Nam tổ chức.

WEF ASEAN diễn ra từ ngày 11-13/9/2018 với chủ đề “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp 4.0”. Phiên họp ngày 12/9 tập trung thảo luận về những ưu tiên của ASEAN trong Cách mạng công nghiệp 4.0. Bên cạnh đó, các vấn đề nổi bật khác cũng sẽ được thảo luận như an ninh mạng, thế hệ mới trong chính trị, trí tuệ nhân tạo, tương lai kỹ thuật số của ASEAN, triển vọng kinh tế châu Á, vấn đề xung đột thương mại, thách thức với chủ nghĩa đa dạng ở ASEAN, khởi nghiệp sáng tạo…

(Tổng hợp)

Exit mobile version