Tại TP. HCM, do lượng xe tải chở hàng năm 2017 tăng mạnh, các doanh nghiệp buộc phải cạnh tranh bằng cách hạ giá cước để có nguồn hàng, tình trạng này đang khiến nhiều doanh nghiệp vận tải thua lỗ và phải bán xe.
Ông Nguyễn Văn Chánh, Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa TP. HCM cho biết, năm 2017, các doanh nghiệp (DN) vận tải gặp nhiều khó khăn do tác động từ thuế, phí, các quy định về thủ tục hành chính. Tình trạng cạnh tranh bằng cách giảm giá cước, dẫn đến số lượng doanh nghiệp thua lỗ ngày càng nhiều, theo Saigon Times.
Cụ thể, năm 2017 số lượng xe container trên địa bàn TP. HCM tăng 27,8%, xe tải từ 3,5 tấn trở nên tăng 76%, trong khi sản lượng hàng hóa đường bộ chỉ tăng 7,5% (đạt 406 triệu tấn). Việc tăng quá nhiều lượng xe chở hàng đã gây mất cân đối giữa cung và cầu, tạo ra khủng hoảng thừa.
Theo đó, nhiều DN vận tải cạnh tranh bằng cách giảm giá cước tới 50%, dưới mặt bằng chung của giá cước chung rất sâu. Thậm chí, nhiều DN đối phó bằng việc chở hàng quá tải để duy trì hoạt động, nhiều DN phải bán xe vì thiếu hàng.
Mặc dù DN không có hàng để chở nhưng hàng năm vẫn phải đóng quỹ bảo trì đường bộ, còn khi lăn bánh ra đường là phải đóng phí đường BOT. Điều này dẫn đến chi phí đầu vào tăng, trong khi doanh thu không có. Đây là vấn đề được nhiều DN cho là bất hợp lý và gây ra nhiều bức xúc cho giới kinh doanh vận tải.
Ông Lâm Đại Vinh, Giám đốc Công ty TNHH vận tải Lâm Vinh cho biết, hiện nay mỗi đầu xe phải chịu chi phí cố định hàng tháng khoảng từ 20-25 triệu đồng (bao gồm phí bảo trì đường bộ, bảo hiểm, dịch vụ định vị, phí bến bãi, phí BOT…) là quá cao. Không chỉ đóng phí đường bộ hàng năm, phí cầu đường cũng chiếm quá nhiều trong cơ cấu giá thành vận tải.
Ông Vinh nhẩm tính, TP. HCM có ít nhất 5 trạm BOT và 10 trạm khác của các tỉnh liền kề. Các trạm thu phí chỉ cách nhau trung bình từ 4,4-20km nên hàng ngày DN vận tải phải tốn quá nhiều tiền cho phí cầu đường BOT. Không những vậy, trên một số tuyến đường, chi phí để xe qua các trạm BOT cao hơn chi phí nhiên liệu để đi tuyến đường đó.
Một chi phí đầu vào phát sinh khá lớn đối với DN vận tải đó là tình trạng kẹt xe vào cảng Cát Lái.
Ông Đỗ Xuân Phú, Giám đốc Công ty Minh Liên (TP. HCM) cho biết, tình trạng kẹt xe vào cảng Cát Lái diễn ra thường xuyên khiến DN phải tốn rất nhiều thời gian di chuyển và chi phí xăng dầu. Đó là chưa kể kẹt xe còn khiến DN giao hàng trễ hẹn, làm mất uy tín trong quá trình kinh doanh.
“Hàng năm, DN phải đóng quỹ bảo trì đường bộ, phí cầu đường BOT, rồi thuế để xây dựng cầu đường. Vậy mà chỉ nhận lại được con đường nhỏ hẹp, kẹt xe. Đây là vấn đề bất hợp lý mà cơ quan nhà nước phải giải quyết cho doanh nghiệp”, ông Phú nói.
Không chỉ vấn đề thuế phí, nhiều DN cho rằng các biển báo tải trọng và thời gian lưu thông ở một số tuyến đường như quốc lộ 1A, đường Nguyễn Văn Linh còn bất cập, chưa được điều chỉnh. Nhiều quy định về các thủ tục hành chính không cần thiết làm khó khăn cho doanh nghiệp.
Bất cập kéo dài, doanh nghiệp chịu thiệt
Để tháo gỡ khó khăn cho DN vận tải, ông Lâm Đại Vinh đề xuất, Nhà nước nên xem xét giảm 30% phí BOT và phí bảo trì đường bộ so với hiện nay, hoặc ít nhất là giảm phí cho xe container. Đối với những xe không hoạt động trong thời gian dài cần giảm phí bảo trì đường bộ trong thời gian xe không lăn bánh.
Nhiều DN vận tải thông qua Hiệp hội vận tải hàng hóa TP. HCM kiến nghị xem lại biển cấm, điều chỉnh mở rộng giờ lưu thông trên quốc lộ 1A, đẩy nhanh tốc độ xây dựng vòng xoay Mỹ Thủy để giảm kẹt xe vào cảng Cát Lái.
Đồng thời, họ cũng đề nghị Bộ GTVT sớm trình Chính phủ sửa đổi và điều chỉnh Nghị định 86, Nghị định 46, Thông tư 63 liên quan đến hoạt động vận tải theo hướng đơn giản hóa thủ tục, giảm bớt những quy định không cần thiết.
Ông Lưu Hoàng Dũng, Phó giám đốc Công ty vận tải 116 kiến nghị Bộ GTVT cùng các sở, ngành liên quan nên xem xét điều chỉnh lại thời gian học bằng lái FC. Hiện nay, quy định lái xe có kinh nghiệm 3 năm mới được thi bằng FC là không sát với thực tế, không đúng với nhu cầu học của học viên.
Khôi Minh