Khi sổ hộ khẩu được bỏ, công dân thực hiện các giao dịch hành chính chỉ cần cung cấp 3 thông tin cơ bản: họ tên, mã số định danh và chỗ ở.
Mới đây, Chính phủ đã chủ trương bỏ quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu, đơn giản hóa các thủ tục hành chính không cần hộ khẩu, chứng minh nhân dân để thống nhất quản lý bằng mã số định danh cá nhân, việc này cần phải có lộ trình dự kiến đến năm 2019 – 2020, theo Báo Thanh niên.
Theo lộ trình, vào cuối năm 2018, đầu năm 2019, Bộ Công an sẽ hoàn tất thu thập thông tin của trên 90 triệu công dân và cung cấp cho các ngành để giải quyết thủ tục hành chính hiệu quả.
Thời gian vừa qua, Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) đã chỉ đạo công an các địa phương tiến hành thu thập 15 thông tin của công dân để cấp cho mỗi người một số định danh duy nhất dùng khi giao dịch hành chính, theo Báo Tuổi trẻ.
Cơ quan nhà nước sẽ tra cứu đầy đủ thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia mà không cần công dân phải xuất trình các loại giấy tờ như sổ hộ khẩu, giấy khai sinh… chứng thực tại xã, phường.
Luật sư Trịnh Cẩm Bình, giám đốc Công ty Luật Biển Đông cho rằng, bãi bỏ sổ hộ khẩu thì người dân sẽ được hưởng các dịch vụ công về y tế, giáo dục, viễn thông… công bằng, không còn bị hạn chế bởi ranh giới cư trú theo sổ hộ khẩu.
Hiện nay, tại TP.HCM ước tính có khoảng hơn 3 triệu người không có sổ hộ khẩu. Khu vực đồng bằng Bắc Bộ có khoảng 2 triệu người hộ khẩu vẫn gốc phía Bắc nhưng đã di chuyển vào phía Nam lao động.
Họ gặp rất nhiều rào cản vì những vấn đề xin việc làm, việc học hành của con cái, mua bảo hiểm… đều liên quan đến sổ hộ khẩu.
Trả lời báo Pháp luật, luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn luật sư TP Hà Nội cũng nhận định, việc bãi bỏ sổ hộ khẩu sẽ cởi trói rất nhiều thủ tục hành chính phức tạp, rườm rà, tạo điều kiện để công dân thực hiện các quyền tự do cơ bản mà hiến pháp đã quy định, tạo sự bình đẳng giữa các công dân trong các mối quan hệ hành chính, pháp lý.
Hoàng Minh (TH)