Đại Kỷ Nguyên

Xuất khẩu của Nhật Bản giảm lần đầu kể từ năm 2016 vì chiến tranh thương mại Mỹ – Trung

Vạ lây từ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, xuất khẩu của Nhật Bản trong tháng 9/2018 giảm lần đầu tiên kể từ năm 2016.

Theo số liệu do Bộ Tài chính Nhật Bản (MOF) công bố ngày 18/10, xuất khẩu của Nhật Bản trong tháng 9/2018 giảm 1,2% so với cùng kỳ năm 2017.

Đây là lần đầu tiên xuất khẩu của Nhật Bản giảm kể từ tháng 11/2016. Trong khi đó, xuất khẩu vào tháng 8 của nước này tăng 6,6%.

Xuất khẩu của Nhật Bản giảm lần đầu tiên kể từ năm 2016. (Ảnh: Reuters)

Chuyên gia kinh tế của Nhật Bản tại Capital Economics cho biết “xuất khẩu suy yếu trong tháng 9 cho thấy hoạt động kinh tế có thể trì trệ trong quý III”.

Xuất khẩu của Nhật Bản sang Mỹ giảm 0,2% trong cùng giai đoạn, chủ yếu do lượng hàng máy móc xây dựng và khai khoáng, phụ tùng ô tô và thuốc giảm.

Trong khi đó, nhập khẩu từ Mỹ trong tháng 9 đã tăng 3,1%, khiến thặng dư thương mại giữa Nhật Bản với Mỹ giảm 4% so với cùng kỳ năm trước còn 590 tỷ Yên (5,24 tỷ USD).

Cũng theo số liệu của MOF, tỷ trọng xuất khẩu của Nhật Bản sang Trung Quốc giảm 1,7% trong tháng 9, lần giảm đầu tiên trong 7 tháng qua.

MOF công bố số liệu chỉ vài ngày sau khi một khảo sát của hãng tin Reuters cho thấy khoảng 1/3 số công ty Nhật Bản đã bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Nhật Bản gần đây còn hứng chịu nhiều thảm họa tự nhiên, gây gián đoạn hoạt động sản xuất và phân phối sản phẩm.

“Kinh tế sẽ chỉ tăng trưởng nhẹ trong quý III. Xuất khẩu khả năng cao không đóng góp được gì”, chuyên gia kinh tế Takeshi Minami tại Viện Nghiên cứu Norinchukin nhận định. “Giả định ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung lan rộng, xuất khẩu của Nhật Bản sẽ càng khó tăng trưởng”.

Vào tháng 9 vừa qua, Tokyo và Washington đã đồng ý bắt đầu đàm phán một thỏa thuận thương mại mới nhằm tránh tình huống Mỹ đánh thuế 25% lên ô tô của Nhật Bản.

Tổng thống Donald Trump tuyên bố rõ ràng rằng ông không hài lòng với khoản thặng dư thương mại trị giá 69 tỷ USD của Nhật Bản với Hoa Kỳ và muốn có một thỏa thuận song phương để giải quyết vấn đề này. Khoảng gần 2/3 số thặng dư trên đến từ xuất khẩu ô tô.

Kiều Ngọc (Tổng hợp)

Exit mobile version