Nhiều doanh nghiệp Việt Nam cho biết rất muốn xuất khẩu nông sản chính ngạch sang Trung Quốc để giảm thiểu rủi ro, nhưng vì chưa được cấp phép nên họ buộc phải bán qua đường tiểu ngạch.
Theo Pháp luật Tp.HCM, tại hội nghị bàn về cách tiếp cận thị trường Trung Quốc vừa diễn ra, nhiều doanh nghiệp Việt Nam cho biết họ gặp rất nhiều khó khăn khi muốn xuất khẩu nông sản chính ngạch sang thị trường đông dân nhất thế giới.
Ông Đỗ Ngọc Chất, Giám đốc Công ty Việt Á Agrifood, cho biết vấn đề cần đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc để có giá trị tăng cao, đảm bảo thanh toán, giảm rủi ro đã được nhắc đến rất nhiều lần. Thế nhưng, hiện chỉ có một số mặt hàng nông sản được phép xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, còn các mặt hàng khác buộc phải đi đường tiểu ngạch.
Nhiều ý kiến khác cũng cho hay khoảng 60% nông sản Việt Nam xuất sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch nên gặp nhiều rủi ro từ nhập khẩu cho đến thanh toán và chính sách bán hàng. Tuy nhiên, doanh nghiệp muốn chuyển sang xuất khẩu chính ngạch lại gặp rất nhiều khó khăn vì chưa được cấp phép.
Theo ông Chất, đến nay chỉ có 8 loại trái cây của Việt Nam gồm thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít và chôm chôm được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Ông Chất cho rằng đối với một thị trường sát vách như vậy mà Việt Nam chỉ đàm phán được 8 loại nông sản xuất chính ngạch sang Trung Quốc là quá ít. Hậu quả là nhiều loại nông sản thế mạnh của Việt Nam như bơ, sầu riêng, dừa, khoai lang… muốn vào thị trường nước này đều phải qua con đường tiểu ngạch nhiều rủi ro.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vina T&T, cho hay hiện công ty đang xuất khẩu chính ngạch thanh long, nhãn, vải, chôm chôm sang Trung Quốc. Đối với những mặt hàng trái cây khác như bưởi dù không muốn vẫn phải bán qua con đường tiểu ngạch.
Theo ông Tùng, xuất khẩu tiểu ngạch gây nhiều bất lợi cho cả doanh nghiệp lẫn nông dân Việt Nam vì phải bán giá thấp, tốn nhiều chi phí vận chuyển và rủi ro trong thanh toán. Thậm chí, khi phía thương lái Trung Quốc đột ngột dừng nhập tiểu ngạch hay mua ít, nông sản Việt Nam sẽ có nguy cơ cao bị chất đống ở biên giới, rơi vào cảnh được mùa mất giá và phải giải cứu.
Theo Tri thức trực tuyến, trước đó, tại hội thảo bàn về cách tiếp cận thị trường Trung Quốc cho nông sản Việt diễn ra hồi cuối tháng 8, ông Nguyễn Hoàng Anh, thành viên Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân của Chính phủ, cho biết Trung Quốc hiện là một trong 5 thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam với tỷ trọng áp đảo lên đến 76%. Tuy nhiên, tình hình sản xuất nông sản của Việt Nam còn manh mún, tự phát dẫn đến có rất nhiều sản phẩm nhưng lại không chuyên môn hóa. Trong khi đó, Trung Quốc hiện không còn là thị trường dễ tính sẽ khiến nông dân Việt Nam gặp nhiều khó khăn.
Đại diện Tổng Lãnh sự Trung Quốc tại Tp.HCM cũng cho rằng các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ của Việt Nam thường chọn con đường xuất khẩu tiểu ngạch. Các thương lái Trung Quốc khi đi thu mua cũng thường áp dụng hình thức này. Trong khi mua bán tiểu ngạch quan trọng nhưng lại không bền vững, yếu tố rủi ro rất cao. Mặt khác, hiện Trung Quốc rất quan trọng yếu tố truy xuất nguồn gốc nông sản.
Ngoài ra, vị này còn cho rằng người Việt chưa hiểu về thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp chưa chủ động xem thị hiếu, nhu cầu của người dân Trung Quốc là gì để từ đó tập trung sản xuất. Ngược lại, chính các thương lái Trung Quốc đã đi tìm gặp nông dân để thu mua.
Theo đại diện Công ty TNHH Việt Á Agrifood, từ trước đến nay nông sản Việt Nam vẫn quen cách buôn bán tiểu ngạch với thương lái Trung Quốc, hàng nào cũng có thể bán, không quan trọng mẫu mã, chất lượng ra sao. Mặt khác, cơ quan quản lý cũng không chú trọng đàm phán xuất khẩu chính ngạch. Hậu quả là đến khi Trung Quốc siết chặt biên mậu, truy xuất nguồn gốc thì muốn xuất khẩu chính ngạch, nhiều loại nông sản gặp khó vì chưa được cấp phép.
Chính Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng thừa nhận nhiều nông sản của Việt Nam chưa thể xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc vì liên quan đến các vấn đề như đàm phán của chính phủ hai nước về thủ tục, kiểm dịch.
(Tổng hợp)