Ngoài thị trường truyền thống và chủ lực là Trung Quốc, mặt hàng rau quả Việt Nam còn có triển vọng xuất khẩu vào nhiều thị trường khác trên thế giới như EU, Mỹ, Nhật Bản…
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giá trị xuất khẩu rau, quả tháng 10/2018 của Việt Nam ước đạt 331 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu 10 tháng lên 3,3 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2017.
Trong đó, các mặt hàng xuất khẩu vẫn chủ yếu là rau quả thô hoặc sơ chế với tỷ trọng lên tới 90,3%, các loại rau đã qua chế biến chỉ chiếm 9,7%.
Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Số liệu tính tới tháng 9 cho thấy xuất khẩu rau quả sang thị trường này đạt 2,2 tỷ USD, tăng 10,4% về giá trị so với 9 tháng đầu năm 2017 và chiếm 74% thị phần.
Một số thị trường khác có giá trị xuất khẩu rau quả tăng mạnh là Thái Lan, tăng 35%; Australia tăng 31,6%; Mỹ tăng 30% và Hàn Quốc tăng 24,4%.
Có thể thấy, trong khi tốc độ tăng trưởng tại thị trường Trung Quốc chỉ khoảng 10%, thì các thị trường khác có tốc độ tăng trưởng cao hơn. Điều này cho thấy rau quả Việt Nam đang đi theo xu hướng giảm dần sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, đặc biệt ở một số mặt hàng chủ lực.
Ông Nguyễn Quốc Toản – Quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết trên báo Pháp Luật Việt Nam, rằng ngoài thị trường truyền thống và chủ lực là Trung Quốc, triển vọng xuất khẩu mặt hàng rau quả tại nhiều thị trường có giá trị cao hiện nay đang ngày càng có xu hướng tăng mạnh.
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc dự báo thị trường rau quả toàn cầu sẽ tăng trưởng khoảng 8%/năm trong giai đoạn 2018–2020, đạt khoảng 320 tỷ USD vào năm 2020. Trong đó, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm rau quả nhiệt đới, trái mùa và hữu cơ sẽ tăng mạnh tại các nước phát triển.
Nhu cầu tiêu thụ rau các loại tại các nước EU sẽ rơi vào khoảng 115-130 triệu tấn/năm, trong khi đó trái cây là khoảng 70-80 triệu tấn/năm. Các mặt hàng rau quả được EU nhập khẩu lớn gồm các loại trái cây nhiệt đới như thanh long, xoài, vải, chuối, chanh leo, bơ, măng cụt, dứa, dừa…
Hiện tại, xuất khẩu sang EU chỉ chiếm tỷ trọng 4-5% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam, nhưng tốc độ tăng trưởng đang có nhiều triển vọng, đặc biệt là mặt hàng chanh leo.
Tại thị trường Nhật Bản, Việt Nam đã được phép xuất khẩu các loại hoa quả như thanh long, xoài, chuối, dừa, trong đó thanh long là trái cây được đánh giá có dư địa và sức cạnh tranh cao tại thị trường này. Ngoài ra, các sản phẩm rau quả chế biến từ xoài, vải, dứa, súp lơ, khoai lang… của Việt Nam vẫn có tiềm năng tăng trưởng mạnh về xuất khẩu tại thị trường Nhật Bản.
(Tổng hợp)