Muốn bảo vệ con đường bê tông, người dân các thôn Khe Voi, Đông Lý (huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) đã dựng rào chắn trước đoạn đường liên thôn rồi thu phí “BOT” với xe tải với mức thu từ 50.000 đến 100.000 đồng/lượt.
Mới đây, thêm một câu chuyện bi hài khi người dân tự lập trạm “BOT” trên đường liên thôn được Báo Lao Động tìm hiểu và đăng tải.
Theo đó, từ khi Tỉnh lộ 163 đoạn Yên Bái – Khe Sang được cải tạo, nâng cấp, nhiều tài xế buộc phải đi vào đường ngách xuyên qua các thôn để tránh đoạn thi công.
Trước tình trạng này người dân các thôn Khe Voi, xã Đông An (huyện Văn Yên) đã dựng rào chắn trước đoạn đường bê tông liên thôn để thu phí xe tải với mức thu từ 50.000 đến 100.000 đồng tùy tải trọng.
Anh Nguyễn Văn Hùng (Yên Bái) – một tài xế xe tải kể với phóng viên Lao Động, mỗi chuyến anh chạy thuê cước chỉ được 200.000 đồng. Nhưng đi qua đoạn đường thôn Khe Voi và thôn Đông Lý có tới tận 3 trạm phí. Xe anh 1,2 tấn, 50.000 đồng/trạm, tổng cộng là 150.000 đồng và anh nhận được giải thích đây là chủ trương của các thôn nhằm lấy tiền tu sửa đường.
Người dân thôn Khe Voi cho rằng, tuyến đường liên thôn này trước đây rất đẹp, an toàn nhưng kể từ khi Tỉnh lộ 136 sửa chữa, lượng ôtô tải tăng đột biến, kéo theo bụi bẩn, tiếng ồn suốt ngày đêm. Nhiều xe tải trọng lớn cày nát đường đã trở thành nỗi ám ảnh của mọi người, đặc biệt là với học sinh và trẻ nhỏ.
Báo Đời sống & Pháp lý đưa tin, ông Hoàng Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND xã Đông An (Văn Yên, Yên Bái) xác nhận, có sự việc người dân thu tiền của lái xe khi chạy qua đường nối 3 thôn thuộc xã Đông An.
Theo ông Hùng, mỗi người dân đã quyên góp 600.000 đến 700.000 đồng để đổ bê tông đoạn đường trên. Vì vậy, khi xe trọng tải lớn và xe của doanh nghiệp vận tải đi qua, người dân thu tiền để lấy tiền sửa chữa đường mà họ đã làm trước đó.
Xã đã chỉ đạo các thôn ngăn chặn xe có trọng tải quá 8 tấn (vì quy định đường giao thông nông thôn không được chở quá 8 tấn) còn các xe khác thì lưu thông bình thường. Ngoài ra, các thôn tuyệt đối không được dựng barie thu tiền.
Vị Chủ tịch xã cho biết thêm, trong quá trình lưu thông, có thể một số đơn vị, cá nhân thỏa thuận với các thôn tham gia đóng góp một chút tiền sửa chữa đường, về luật thì không cho phép như vậy. Nhưng hiện nay, nhiều xe trọng tải lớn đang phá hỏng tuyến đường này nên việc thỏa thuận như trên là chuyện bình thường. Chính quyền không đồng ý nhưng lái xe tự nguyện.
Hoa Liên (Tổng hợp)