Bên cạnh rất nhiều phát minh mang lại thành công và lợi ích cho người đã sáng tạo ra chúng còn có không ít phát minh khác là thất bại nặng nề. Khó có thể tưởng tượng được rằng sau rất nhiều thời gian và tâm huyết, tất cả lại để lại một nỗi mất mát khôn nguôi khi nhà phát minh phải thiệt mạng vì chính sản phẩm của mình. Dưới đây là những trường hợp như vậy.
Franz Reichelt (1879-1912)
Franz Reichelt sinh ra tại Áo và là người tiên phong trong việc phát minh áo dù cho phi công lái máy bay. Thời đó, tai nạn hàng không xảy ra dẫn đến cái chết bi thảm của nhiều phi công trên chuyến bay. Dù chỉ là một thợ may, nhưng Reichelt đã có ý tưởng thiết kế một chiếc áo dù giúp phi công nhảy xuống đất an toàn. Sau nhiều cuộc thử nghiệm với phát minh của mình, ông được mọi người gọi vui là “Thợ may bay” (Flying Taylor).
Cú nhảy dù của Franz Reichelt được ghi lại trong một đoạn phim năm 1912:
Reichelt say sưa với phát minh của mình và đã thực hiện không ít cuộc thử nghiệm. Ông tin rằng chiếc áo dù cần phải có độ cao 50-100 m thì mới đủ thời gian tiếp cận không khí. Vì vậy, ông đã lựa chọn tháp Eiffel. Mặc dù các cuộc thử nghiệm trước đó với hình người giả và nhiều vật vô tri khác đều thành công, nhưng Reichelt lại thất bại khi thực hiện cú nhảy dù tử thần từ tháp Eiffel.
Horace Lawson Hunley (1823-1863)
Hunley từng là một kỹ sư hàng hải của Liên minh miền Nam Hoa Kỳ (Confederacy) trong cuộc nội chiến những năm 1860. Trong suốt một thời gian dài, tàu ngầm quân sự hoạt động không thành công. Cho đến năm 1864, phát minh của Hunley được đặt theo tên ông – H. L. Hunley – trở thành chiếc tàu ngầm đầu tiên trong lịch sử có thể đánh chìm thành công tàu chiến của quân đội miền Bắc. Nhưng sau đó, Hunley và 7 thành viên phi hành đoàn khác đã không thể đưa chiếc tàu lên khỏi mặt nước, khiến tất cả những người trên tàu đều thiệt mạng.
Thomas Andrews, Jr. (1873-1912)
Thomas Andrews là nhà đóng tàu người Ireland. Ông chính là người đã thiết kế một trong những con tàu nổi tiếng nhất mọi thời đại – tàu RMS Titanic. Andrews đã có vinh dự khi tham gia vào hành trình đầu tiên của con tàu “không thể chìm” Titanic. Nhưng không may, tàu đâm vào một tảng băng và chìm xuống đáy đại dương. Andrews là một trong rất nhiều hành khách đã thiệt mạng trong thảm họa này.
Karel Soucek (1947-1985)
Karel Soucek là một diễn viên đóng thế chuyên nghiệp người Canada. Năm 1984, ông đã liều lĩnh lao xuống từ thác Niagara trong một chiếc thùng tự chế. Cú nhảy nguy hiểm khiến ông bị thương nhưng vẫn an toàn tính mạng. Vào ngày 19/1/1985, Soucek lại tiếp tục thực hiện một cảnh mạo hiểm khác từ trên nóc tòa nhà Houston Astrodome ở bang Texas. Nhà thi đấu Houston Astrodome có một thác nước cao trên 50 m, và Soucek dự kiến sẽ rơi xuống lòng hồ bên dưới. Nhưng không may, chiếc thùng rơi thẳng xuống nền khiến Soucek tử vong không lâu sau khi “hạ cánh”.
Max Valier (1895-1930)
Max Valier là người phát minh ra động cơ phản lực nhiên liệu lỏng khi còn làm việc tại cơ quan nghiên cứu VFR ở Đức. Ông cũng từng tham gia vào việc phát triển động cơ tên lửa trên máy bay và xe hơi. Vào 1/1930, Valier cùng các cộng sự bắn thử thành công quả tên lửa nhiên liệu lỏng tại nhà máy Heylandt.
Vài tháng sau đó, ông bắt đầu thử nghiệm chiếc xe Valier-Heylandt Rak 7 – một loại xe phản lưc sử dụng nhiên liệu lỏng. Tuy nhiên, tai nạn trong một cuộc thử nghiệm khác tại Berlin đã khiến ông tử nạn.
Marie Curie (1867-1934)
Marie Curie là nhà vật lý và hóa học người Ba Lan-Pháp với nhiều khám phá có giá trị trong lĩnh vực phóng xạ. Bà là người đầu tiên được trao tặng 2 giải thưởng Nobel cho những đóng góp của mình. Vì phải liên tục làm việc với các chất độc hại, lại thường xuyên để các ống có chứa đồng vị phóng xạ trong túi, bà đã tiếp xúc với một lượng phóng xạ gây chết người. Ngày 4/7/1934. bà qua đời vì chứng thiếu máu không tái tạo được do nhiễm xạ.
William Bullock (1813-1867)
William Bullock là người chế tạo ra chiếc máy in quay – sản phẩm được coi là bước cải tiến lớn so với chiếc máy in tương tự của Richard March Hoe. Sáng tạo của Bullock giúp cải thiện ngành công nghiệp in với chất lượng và tốc độ cao vượt trội. Năm 1867, khi đang lắp đặt một trong những chiếc máy in của mình, chân của Bullock đã bị mắc vào thiết bị. Không lâu sau sự cố này, vết thương bị hoại tử khiến ông qua đời ngay trên bàn phẫu thuật.
Otto Lilienthal (1848-1896)
Otto Lilienthal là nhân vật có sức ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực hàng không, được các nhà lịch sử học gọi là “Vua tàu lượn” (“Glider King”). Lilienthal đã dành nhiều năm trời để tạo nên chiếc tàu lượn có đôi cánh giống cánh chim hơn là những chiếc tàu lượn chúng ta biết hiện nay. Ông cũng nhiều lần đích thân thử nghiệm phát minh của mình. Tuy nhiên, một trong các cuộc thử nghiệm đã mang đến kết quả bi thảm, khi một sự cố xảy ra khiến ông rơi từ độ cao khoảng 7 m và tử vong sau đó.
Aurel Vlaicu (1882-1913)
Aurel Vlaicu là kỹ sư người Romani và là một trong những người đầu tiên chế tạo máy bay vào những năm 1900. Ông đã tạo nên chiếc tàu bay có cánh cho đến khi hoàn thành sáng tạo lớn nhất của ông mang tên Vlaicu II. Khi đang bay qua dãy núi Carpat, Vlaicu đã gặp sự cố và rơi xuống. Nguyên nhân chính xác gây ra tai nạn này vẫn chưa được xác định.
Jimi Heselden (1948-2010)
Jimi Heselden từng được coi là người phát minh chiếc xe cá nhân Segway, nhưng thực tế, ông chỉ là một doanh nhân điều hành Segway Inc. sau khi mua lại công ty này vào năm 2010. Một thời gian ngắn sau cuộc mua bán, Heselden không may lái chiếc Segway lao ra khỏi vách đá ở Thorp Arch, vùng West Yorkshire nước Anh. Theo các nhà điều tra, Heselden đã cố quay chiếc xe khi đến gần vách đá nhưng rồi thất bại, khiến ông rơi xuống từ độ cao 80 feet (khoảng 24,38 m).
Hồng Liên tổng hợp